VCCI: Một số quy định về kinh doanh dịch vụ in chưa hợp lý

(BKTO) - Góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định về kinh doanh dịch vụ in còn chưa hợp lý.



                
   

Theo VCCI, một sốquy định về kinh doanh dịch vụ in chưa hợp lý - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Cụ thể, tại Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Xuất bản quy định, người đứng đầu cơ sở in xuất bản phẩm phải đáp ứng điều kiện “có nghiệp vụ quản lý hoạt động in xuất bản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, theo VCCI, trong lĩnh vực in xuất bản phẩm, cơ quan nhà nước đã có nhiều cơ chế kiểm soát để đảm bảo các xuất bản phẩm được in ra không vi phạm các quy định về xuất bản phẩm (tức là các xuất bản phẩm được in đều đã được kiểm soát về mặt nội dung). Như vậy, cơ sở in sẽ không phải là chủ thể chịu trách nhiệm về nội dung của xuất bản phẩm.

Do đó, VCCI cho rằng, nếu mục tiêu của quy định về người đứng đầu cơ sở in xuất bản phẩm nhằm đảm bảo nội dung của xuất bản phẩm không vi phạm các quy định của pháp luật về xuất bản là không cần thiết. Còn quy định này hướng đến tính hiệu quả của cơ sở in thì đây không phải là mục tiêu phù hợp của điều kiện kinh doanh.

“Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ điều kiện này ra khỏi điều kiện kinh doanh của cơ sở in xuất bản phẩm” - VCCI kiến nghị.

Về thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in, theo quy định tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP, Nghị định 25/2018/NĐ-CP thì nhập khẩu thiết bị in đang có cơ chế quản lý là cấp giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, việc thực hiện cơ chế cấp giấy phép cho hoạt động nhập khẩu thiết bị in là chưa hợp lý, bởi không rõ mục tiêu quản lý đối với việc cấp phép này.

Cũng theo VCCI, quy định tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP, Nghị định 25/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp nào cũng có thể được nhập khẩu thiết bị in, trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu chỉ bao gồm hai tài liệu là đơn và catalouge (ấn phẩm quảng cáo giới thiệu sản phẩm) của từng thiết bị in.

“Như vậy, với quy định này thì các tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý hay từ chối cấp phép là chưa rõ. Nếu quy định này chỉ để biết thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu, số lượng hàng nhập khẩu, loại hàng nhập khẩu thì cơ quan quản lý về hoạt động in có thể có được các thông tin này từ cơ quan hải quan” - VCCI lý giải.

Do đó, VCCI cho rằng, việc cấp phép nhập khẩu cho thiết bị in là không cần thiết, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, VCCI cho biết, hiện tại, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định về quản lý ngành in đang được soạn thảo theo hướng thay đổi cơ chế này từ cấp phép sang đăng ký và thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến.

Do đó, VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về phần cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in theo hướng chuyển đổi từ thủ tục cấp phép sang thủ tục đăng ký và thực hiện theo dịch vụ công mức độ 4./.
THIỆN TRẦN
Cùng chuyên mục
VCCI: Một số quy định về kinh doanh dịch vụ in chưa hợp lý