Về Tổng Phục xưa nghe hát Đúm

(BKTO) - Từ rất lâu, mỗi độ xuân về đất Tổng Phục xưa, gồm các xã: Phả Lễ, Phục Lễ, Lập Lễ… của huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng lại rộn ràng chuẩn bị cho Lễ hội truyền thống Hát Đúm ngày xuân. Năm nay, không khí cho Lễ hội truyền thống này lại càng rộn ràng hơn, khi tháng 9/2018 vừa qua, hát Đúm Thủy Nguyên đã chính thức có tên trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.



“Không có hát Đúmthì như chưa có tết”

Những ngày lễ tết đầu năm, về đất Tổng Phục xưa có thể bắt gặp hát Đúm diễn ra ở trên đường đi, ngoài cánh đồng khi các tốp trai thanh, gái lịch trong những bộ quần áo truyền thống ngày hội gặp nhau. Họ nắm tay nhau say sưa hát đối những làn điệu giao duyên thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa thông qua nhiều câu hát ví von mang đậm chất dân gian của vùng quê.

Hát Đúm thực chất là hát đối đáp, giao duyên, được người dân hát nhiều trong những dịp đầu xuân. Hát Đúm khá phổ biến ở một số địa phương như: Quảng Ninh, Thái Bình, nhưng hát Đúm ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) có nhiều điểm riêng biệt, tiêu biểu hơn cả, được thể hiện qua trang phục, âm ngữ, cách hát. Theo các bậc cao niên, hát Đúm ra đời khoảng bảy, tám trăm năm (khoảng thế kỷ XIII - thời nhà Trần), nhưng có lẽ phải tới thế kỷ XVI (thời nhà Mạc), sau khi chùa Kiến Linh được tạo dựng ở Phục Lễ thì nó thực sự mới được hát trong lễ hội của một số làng rồi tiếp đó lan rộng ra cả vùng… Ngoài nghệ thuật hát, hát Đúm liên quan đến một chi tiết hết sức đặc biệt, đó là tục che mặt của các cô gái trong vùng.

Tục truyền, con gái Tổng Phục Lễ xưa da trắng như tuyết, môi đỏ tựa son, má như đào bích nên để tránh cho da khỏi sạm màu nắng gió, từ xưa, chị em thường dùng những chiếc khăn mỏ quạ đội trên đầu và bịt mặt. Mỗi năm, các cô gái chỉ được cởi bỏ chiếc khăn che mặt một lần trong ngày hội hát Đúm đầu xuân… Khi hát, nếu phải lòng chàng trai, cô gái sẽ mở khăn che mặt, đó cũng là dấu hiệu đầu tiên của cặp đôi tâm đầu ý hợp, phải lòng, phải vía nhau… Bởi vì chị em chỉ bỏ khăn mỗi năm một lần nên hội xuân của người Phục Lễ xưa đã tạo ra sự tò mò, lôi cuốn trai tráng nhiều vùng…

Ông Đinh Văn Hăng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát Đúm xã Lập Lễ - chia sẻ: Nét độc đáo nhất của nghệ thuật hát Đúm là những câu nói trực tiếp sẽ thay bằng câu hát để nam nữ đối đáp, giao duyên. Bài bản của hát Đúm rất phong phú. Đầu tiên, khi mới gặp nhau là những câu hát chào, những câu hát mừng. Tiếp sau đó có thể là hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình, hát cưới, hát ra về... Một hội hát thường bắt đầu bằng câu hát quen thuộc “Rằng duyên kết bạn mình ơi” và kéo dài từ sáng tới chiều, từ ngày này qua ngày khác. Cái hay của hát Đúm là sự đối đáp thông minh, dí dỏm, ứng tác nhanh nhạy của người hát.

Còn theo ông Phùng Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Thủy Nguyên: Hát Đúm là loại hình nghệ thuật được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, gắn với những lễ hội và mang nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cửa biển. Tự nhiên như hơi thở, những câu ca mộc mạc, da diết cất lên từ chính sự chân chất, mộc mạc của bà con nơi đây. Đối với người Thủy Nguyên, hát Đúm đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống. Ngày tết mà không có hát Đúm thì coi như chưa có tết.

Nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa độc đáo

Như bao loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống khác, hát Đúm cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong việc gìn giữ, bảo tồn. Nhịp sống hiện đại hối hả, sôi động đã tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ tới lối sống, thị hiếu và thẩm mỹ của tầng lớp thanh niên. Hát Đúm dần trở nên “lỗi nhịp” với cuộc sống hiện đại, tương tự như một số loại hình dân ca giao duyên khác. Bởi nhịp điệu chậm rãi, đều đều của nó sẽ khó hòa vào nhịp sống sôi động của thanh niên trong thời đại công nghiệp. Theo nhiều nghệ nhân hát Đúm, một số thách thức có thể kể đến như: tục bịt mặt của các cô gái bị mai một; hội hát ngày càng thiếu vắng các nam thanh, nữ tú…

Muốn giữ gìn và phát triển hát Đúm, không gì tốt hơn là phải truyền dạy cho các lớp kế cận. Trò chuyện với chúng tôi, các nghệ nhân đều cho rằng: Ngoài kỹ thuật hát, việc quan trọng nhất là các nghệ nhân phải có nghệ thuật, có tâm huyết, sự kiên trì để “truyền lửa” cho cháu con, cho thanh thiếu niên trong làng, ngoài xã. Có yêu, có say thì các cháu mới tập luyện chăm chỉ, mới nhập tâm để rồi rèn được những kỹ năng điêu luyện…

Chia sẻ về công tác gìn giữ, bảo tồn hát Đúm, ông Phùng Văn Mạnh cho biết: Hiện nay, một số xã trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đã thành lập được các câu lạc bộ hát Đúm. Mỗi câu lạc bộ có tới vài chục thành viên, trong đó, nhiều người có khả năng truyền dạy. Hiện, hát Đúm được các địa phương đưa vào dạy ở cả 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở; các lớp truyền dạy tại thôn, xóm cũng được tổ chức với hình thức truyền miệng, sách, vở, băng đĩa ghi âm, ghi hình…

Cứ thế, ở Thủy Nguyên, những câu hát Đúm làm say lòng người đã được các nghệ nhân truyền dạy cho lớp cháu con bằng cả tâm huyết. Vậy nên, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, câu hát “Rằng duyên kết bạn mình ơi” vẫn vang lên trong niềm hân hoan, hứng khởi của đông đảo người dân Thủy Nguyên mỗi độ xuân về. Đó như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt và bền bỉ của loại hình di sản văn hóa độc đáo này.

HÒA LONG
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019
Cùng chuyên mục
  • Nỗ lực tạo dựng nền tảng an sinh bền vững
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với vị trí trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) chính là góp phần bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Chia sẻ với báo chí trước thềm năm mới 2019, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định: Tất cả những nhiệm vụ mà ngành BHXH đang thực hiện đều hướng tới một mục tiêu đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT.
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trần Thanh Mẫn: Chăm lo đời sống cho nhân dân, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Đóng vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cơ quan Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp góp phần quan trọng trong việc củng cố, tạo dựng lòng tin trong nhân dân, cùng nhân dân đóng góp ý kiến, tham gia những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhân dịp đầu Xuân năm mới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trần Thanh Mẫn đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về những dấu ấn nổi bật của cơ quan mặt trận gắn với vai trò giám sát, phản biện xã hội cũng như công tác chăm lo cho đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
  • Du lịch “chạm ngưỡng” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Đặc biệt, ngành sẽ quyết tâm về đích trước một năm so với mục tiêu tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  • Phải quyết liệt kéo giảm tai nạn  giao thông
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo nhận định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), năm 2018, tai nạn giao thông (TNGT) mặc dù giảm cả ba tiêu chí (số vụ, số người bị thương và số người chết) nhưng diễn biến vẫn rất phức tạp. Đặc biệt, nhiều vụ TNGT thảm khốc vẫn còn xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
  • Bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có Chỉ thị về việc bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Về Tổng Phục xưa nghe hát Đúm