Vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ bán vàng mà không mua?

XUÂN HỒNG - THÀNH ĐỨC | 11/11/2024 10:15

(BKTO) - Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng sáng nay, 11/11, rất nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào vấn đề quản lý thị trường vàng.

thong-doc-nguyen-thi-hong.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải đáp các vấn đề liên quan đến quản lý thị trường vàng. Ảnh:Quochoi.vn

Tăng cung vàng là phù hợp với bối cảnh hiện nay

Tại phiên chất vấn sáng 11/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đã gửi tới Thống đốc Nguyễn Thị Hồng câu hỏi: “Vừa qua, việc bán vàng miếng của NHNN để bình ổn giá vàng được người dân rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua. Nếu người dân muốn bán vàng do nhu cầu để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng khác cũng không mua. Mặt khác, việc ngân hàng bán vàng chỉ có ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, sao không bán cả tại những nơi khác ở trong nước cho người dân có nhu cầu mua để thuận lợi, dễ dàng?”

pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị Thống đốc NHNN làm rõ vấn đề: Vì sao NHNN chỉ bán vàng mà không mua? Ảnh: Quochoi.vn

Làm rõ vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin: NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng. Cho nên, với bối cảnh nhu cầu gia tăng, NHNN chủ yếu là thực hiện giải pháp để tăng cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại.

Còn hiện nay, đối với hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng, đã có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. Các ngân hàng, các doanh nghiệp này vẫn mua bán vàng bình thường. Còn câu chuyện doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân thì cũng có thể vì một vài lý do nào đấy, chẳng hạn lý do về cân đối tài chính.

Liên quan đến câu hỏi NHNN có kế hoạch về việc thành lập sàn giao dịch vàng hay không trong khi một số nước đã thành lập, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu quan điểm: Việc thành lập sàn vàng có mặt tích cực; giao dịch được minh bạch, đáp ứng yêu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi kèm với đó là việc đầu tư về cơ sở hạ tầng. NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để có thể  tham mưu, đề xuất với Chính phủ ở một thời điểm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề tại sao lại bán ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN chỉ cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc phải ở địa điểm nào. Thế còn bản thân các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá trên nhu cầu ở các tỉnh, thành và mở địa điểm mua bán vàng miếng.

“Qua tập hợp từ Chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố, chúng tôi thấy nhu cầu mua bán vàng chủ yếu là ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Còn các tỉnh thành trong cả nước thì hầu như không có hiện tượng xếp hàng mua vàng” – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Từ đấu thầu đến bán vàng miếng trực tiếp để bình ổn thị trường

Đặt câu hỏi cho Thống đốc NHNN, đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) cho biết, ngày 14/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp bàn về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp để bình ổn và quản lý thị trường. Đại biểu Lưu Văn Đức đề nghị Thống đốc cho biết thời gian qua, NHNN đã thực hiện yêu cầu trên như thế nào?

luu-van-duc.jpg
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết các giải pháp bình ổn thị trường vàng thời gian qua. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, có thể nói rằng, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung như các nước trên thế giới. Rất nhiều năm nay, NHNN đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP và cũng đã thực hiện các giải pháp ổn định từ năm 2013.

Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao và theo đó, giá vàng trong nước cũng tăng lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 cho đến tháng 6/2024, NHNN cũng chưa can thiệp. Nhưng từ tháng 6/2024, giá vàng quốc tế liên tục lập đỉnh và NHNN đã thực hiện các biện pháp can thiệp.

Lúc trước khi can thiệp, giá vàng vào tầm khoảng 2.300-2.400 USD một ouce, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao. Tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng dâng lên rất cao. Chính vì vậy, Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN cần có giải pháp quyết liệt và NHNN cũng đã căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành, tổ chức đấu thầu vàng - đây là biện pháp mà NHNN đã thực hiện khá hiệu quả trong năm 2013. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao.

Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN đã chuyển sang một phương án là bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC. Nhờ cách thức can thiệp như vậy, cho đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đang từ mức 15-18 triệu đồng/một lượng thì đến bây giờ chỉ còn 3 - 4 triệu đồng/một lượng.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhận định thị trường vàng vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp và chúng ta là nước không có sản xuất vàng, cho nên việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế. Diễn biến thị trường vàng sẽ vẫn khó lường. “NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường vàng”- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định./.

Cùng chuyên mục
Vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ bán vàng mà không mua?