BCTC chưa nhất quán với thông lệ quốc tế
Theo đánh giá của Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam - ông Ousmane Dione - gần 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc xây dựng, ban hành và triển khai áp dụng Hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) phù hợp với thông lệ quốc tế, song chất lượng BCTC của các đơn vị có lợi ích công chúng hiện vẫn chưa nhất quán với những thông lệ này.
Cụ thể là, VAS chưa cập nhật theo sự phát triển của Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS); BCTC của một số tổ chức tài chính và DNNN thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội còn ưu tiên tuân thủ các quy chế tài chính đặc thù ngành hơn là các Chuẩn mực kế toán; cơ chế giám sát và thực thi việc tuân thủ Chuẩn mực kế toán chưa đầy đủ. Hệ quả, BCTC được lập khó so sánh với BCTC của các quốc gia khác.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: XUÂN HỒNG
Còn theo Báo cáo ROSC, nhiều đơn vị có lợi ích công chúng hiện vẫn được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán trong nước, vốn có năng lực và nguồn lực hạn chế hơn so với các DN kiểm toán thuộc thành viên của các hãng kiểm toán lớn trên toàn cầu. Các công ty kiểm toán trong nước thường gặp khó khăn trong xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ và thiếu hỗ trợ chuyên môn từ các hãng kiểm toán nước ngoài. Tiêu chí xác định những công ty đủ tiêu chuẩn kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng cũng đang tập trung vào định lượng hơn là chất lượng quy trình kiểm toán.
Chuyên gia Quản lý tài chính cao cấp của WB - ông Christopher Fabling - cho biết, mặc dù các DNNN nắm giữ khoảng 1/3 tổng tài sản, sản xuất 1/4 tổng sản phẩm và tạo ra 1/8 việc làm nhưng việc công bố thông tin tài chính còn hạn chế. Cùng với đó, nhu cầu đối với BCTC DN còn thấp vì thị trường vốn chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ thường không dựa vào BCTC đã kiểm toán để đưa ra quyết định đầu tư.
Tuy vậy, ông Christopher Fabling cũng tin rằng, các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế sẽ làm gia tăng nhu cầu về BCTC chất lượng cao. Trong bối cảnh này, ngành Kế toán, Kiểm toán cần thể hiện vai trò của mình trước xu thế đồng nhất chuẩn mực kế toán, kiểm toán trên toàn thế giới.
Cần áp dụng chuẩn mựcquốc tế để hội nhập toàn cầu
Qua Báo cáo ROSC, WB khuyến nghị: Đối với Chuẩn mực kế toán, Việt Nam nên áp dụng đầy đủ IFRS và các diễn giải liên quan của Ủy ban Diễn giải các Chuẩn mực BCTC quốc tế cho các đơn vị có lợi ích công chúng. BCTC cho mục đích chung nên tuân thủ hoàn toàn VAS được cập nhật theo những thay đổi của IFRS thay vì các quy định đặc thù; cùng với đó là việc xây dựng một nghề thẩm định giá thực sự độc lập và chất lượng.
Còn với Chuẩn mực kiểm toán, mặc dù hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực kiểm toán quốc tế nhưng vẫn cần cơ chế cập nhật thường xuyên. Đồng thời, vấn đề cạnh tranh để giảm mức phí kiểm toán cũng phải được giải quyết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cần ban hành một khung yêu cầu quy định về BCTC toàn diện và đa dạng. Trong khung quy định này, các đơn vị có lợi ích công chúng cần lập và nộp BCTC đã được kiểm toán tuân thủ đầy đủ Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải hướng tới xây dựng, phát triển một tổ chức phù hợp để thực hiện nhiệm vụ giám sát nghề nghiệp; việc phát hành báo cáo thường niên về công tác này nên được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với các yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Bộ Tài chính và các tổ chức nghề nghiệp trong nước cần phối hợp để xây dựng một hệ thống quy định về phổ biến kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như vấn đề tổ chức thi chứng chỉ. Trong đó, yêu cầu đầu vào của kỳ thi cấp Chứng chỉ Kế toán viên và Kiểm toán viên (CPA) phải được điều chỉnh thống nhất với các Chuẩn mực đào tạo quốc tế.
Về trung hạn, Việt Nam nên tập trung đào tạo lĩnh vực kế toán. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học cần làm việc với các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế về kế toán, kiểm toán để xây dựng khung chất lượng quốc gia cũng như chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thừa nhận, khi áp dụng IFRS, chất lượng BCTC của DN sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp cho người sử dụng BCTC nhiều thông tin hữu ích trong việc ra quyết định quản lý, điều hành và đầu tư. Theo Thứ trưởng, việc áp dụng IFRS chính là một yếu tố để quốc tế công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ, từ đó khơi thông dòng vốn FDI. Vì vậy, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Đề án cập nhật Chuẩn mực DN Việt Nam, trong đó có việc áp dụng chuẩn mực quốc tế để trình Chính phủ vào thời gian tới.
XUÂN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 21-12-2017