Việt Nam nỗ lực thực thi các cam kết trong TFA

(BKTO) - Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (TFA) từ tháng 11/2015. Ngay sau khi TFA có hiệu lực, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực thi các cam kết, góp phần đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hải quan.



Triển khai nhiều hoạt độngnhằm thực thi các cam kết

TFA chính thức có hiệu lực vào ngày 22/02/2017 sau khi được 110/164 quốc gia thành viên phê chuẩn. Đến nay, đã có 136 nước phê chuẩn Hiệp định này. Đây là một thỏa thuận đa phương đầu tiên của WTO, là cột mốc quan trọng đối với hệ thống thương mại toàn cầu và cũng là sự khích lệ đối với quá trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều khó khăn do hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ thương mại xuất hiện.

Theo báo cáo của WTO, việc thực hiện đầy đủ TFA có thể giảm trung bình 14,3% chi phí giao dịch và thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm. TFA cũng được đánh giá có khả năng tiết kiệm 1,5 ngày thông quan hàng nhập khẩu, giảm 47% so với mức trung bình hiện tại và tiết kiệm gần 2 ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu, giảm 91% so với mức trung bình hiện tại. Việc thực thi đầy đủ TFA dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu thêm 3,5% và tăng trưởng kinh tế thêm 0,9%/năm.

Việt Nam đã phê chuẩn TFA từ tháng 11/2015. Những nội dung trong TFA hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan mà Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ. Hơn thế nữa, TFA còn đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất, kèm theo các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để thực thi. Do vậy, việc tham gia TFA và triển khai các cam kết theo Hiệp định sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hải quan, đơn giản và chuẩn hóa, tăng cường tính minh bạch trong quy trình thủ tục hải quan, hỗ trợ DN nhỏ và vừa bước đầu xuất khẩu, thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) - cho biết, theo quy định của TFA, các cam kết về nghĩa vụ của các nước thành viên được phân thành 3 nhóm, gồm: cam kết nhóm A - thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; cam kết nhóm B - thực hiện sau một thời gian quá độ tính từ khi Hiệp định có hiệu lực; cam kết nhóm C - cần một thời gian quá độ tính từ khi Hiệp định có hiệu lực và hỗ trợ xây dựng năng lực để thực hiện.

Theo bà Nga, ngay sau khi TFA có hiệu lực, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực thi các cam kết cùng với tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan như: thành lập và duy trì hoạt động của Ủy ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại; theo dõi và triển khai 15 cam kết nhóm A, đây là các cam kết liên quan đến việc tiếp cận thông tin và tính minh bạch, duy trì các cơ chế khiếu nại, hàng hóa tạm giữ để kiểm tra, giải phóng nhanh hàng hóa, xử lý hồ sơ trước khi hàng đến, tự do quá cảnh…

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan với vai trò là đầu mối triển khai Hiệp định đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát và đề xuất Chính phủ phê duyệt lộ trình chính thức thực hiện 14 cam kết nhóm B và 9 cam kết nhóm C của Hiệp định TFA. Lộ trình này đã được Phái đoàn Việt Nam tại WTO thông báo tới Tổ chức này vào đầu tháng 8/2018.

Chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện TFA

Tiếp tục thực hiện cam kết trong TFA, hiện Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai Dự án Hỗ trợ thương mại trị giá 22 triệu USD và dự kiến sẽ thực hiện từ đầu năm 2019. Dự án sẽ kéo dài trong 5 năm với 4 hợp phần, bao gồm: hài hòa hóa và đơn giản hóa các chính sách, thủ tục liên ngành; tăng cường sự phối hợp giữa cấp T.Ư và địa phương; đẩy mạnh việc thực hiện tại cấp địa phương và giữa các địa phương; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hải quan và khu vực tư nhân. Dự án nằm trong Chương trình tạo thuận lợi thương mại nhằm cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh những cơ hội thuận lợi, việc triển khai TFA cũng đặt ra những thách thức cho Việt Nam do năng lực đội ngũ và trình độ công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng được toàn bộ yêu cầu đổi mới và cải cách của Hiệp định. Hơn nữa, yêu cầu cải cách thủ tục liên quan đến thương mại tại biên giới không chỉ đòi hỏi sự tham gia của cơ quan hải quan, mà còn cần sự vào cuộc của cả các cơ quan quản lý chuyên ngành. Để đáp ứng các yêu cầu này, góp phần thực thi tốt các cam kết theo TFA, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực thi Hiệp định; thúc đẩy việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia nhằm tối ưu hóa các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại; đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro; thu hẹp danh mục phải kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan, chấm dứt tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành…

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 30-8-2018
Cùng chuyên mục
  • Chính phủ nỗ lực cắt giảm chi phí kinh doanh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thêm một động thái thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN và sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký. Chương trình nhằm cắt giảm chi phí cho DN, đặc biệt là những chi phí bất hợp lý, nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế.
  • Phát huy hiệu lực của kiểm toán nội bộ trong nền kinh tế
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kiểm toán nội bộ (KTNB) có vai trò quan trọng, thiết yếu trong nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập và tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, nhận thức và vận hành chức năng KTNB còn chưa đầy đủ; khuôn khổ pháp lý hạn chế, nhân lực KTNB còn thiếu và yếu… Những rào cản này cần sớm được tháo gỡ để KTNB thực sự phát huy hiệu lực trong nền kinh tế.
  • Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Đây là một trong những nội dung được thể hiện tại Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN vừa được ban hành.
  • Bàn giải pháp phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những năm gần đây, ngành chế biến gỗ và lâm sản được đánh giá là ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông - lâm - thủy sản. Tuy nhiên, để xâm nhập thị trường gỗ quốc tế, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là phải xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ bền vững và hợp pháp.
  • Tăng trưởng xuất khẩu bền vững đối mặt nhiều thách thức
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tuy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua liên tục tăng trưởng cao nhưng thách thức để duy trì và đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững đang là bài toán khó mà Nhà nước và DN cần giải đáp.
Việt Nam nỗ lực thực thi các cam kết trong TFA