Việt Namvà Australia tiếp nhận vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP nhiệm kỳ 2022-2025 từ Thái Lan và Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN |
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) ASEAN - OECD giữa hai Tổng Thư ký ASEAN và OECD. Với 31 lĩnh vực hợp tác, MOU tạo khuôn khổ quan trọng để nâng tầm quan hệ đối tác giữa ASEAN và OECD trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra 2 Phiên thảo luận quan trọng với chủ đề “Xây dựng một ASEAN thông minh hơn vì một tương lai bao trùm” và “Bảo đảm phục hồi xanh hướng tới một ASEAN tự cường hơn”.
Theo đó, các Bộ trưởng đã nhất trí nhiều chương trình hợp tác về thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là trong những lĩnh vực như đào tạo kỹ năng số, phát triển thành phố thông minh, thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khôi phục du lịch và quản trị số…
Hội nghị cũng thảo luận nhiều nội dung hợp tác nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, công nghệ thân thiện với môi trường, nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đề xuất 3 lĩnh vực hợp tác nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa OECD và ASEAN trong thời gian tới.
Một là, OECD tiếp tục hỗ trợ, phối hợp tư vấn chính sách cho ASEAN và các nước trong khu vực trong quá trình chuyển đổi số. OECD và các thành viên ASEAN cần đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu, xây dựng chính sách trong những lĩnh vực có ý nghĩa thiết thực như quản trị thông minh, chính phủ số, mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, thương mại điện tử, an ninh mạng…
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị OECD và các thành viên tăng cường hỗ trợ ASEAN triển khai hiệu quả Khung tổng thể về phục hồi ASEAN, Chiến lược cách mạng công nghiệp 4.0 ASEAN, Kế hoạch tổng thể số ASEAN đến năm 2025 và các chương trình hành động khác về chuyển đổi số.
Hai là, OECD tiếp tục hỗ trợ ASEAN nhằm bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình số hóa, được đào tạo và tiếp cận công nghệ số, trong đó chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong chuyển đổi số, tăng cường quan hệ đối tác công - tư.
Ba là, OECD tăng cường hợp tác, hỗ trợ ASEAN phát triển nền kinh tế ít carbon, thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hướng đến tương lai xanh hơn và bền vững hơn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị OECD và các nước thành viên tăng cường hợp tác với Việt Nam trong phát triển kinh tế số, thực hiện Chương trình quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2030 và đạt các mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP (năm 2025) và 30% GDP (năm 2030); hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung “Một tương lai lấy con người làm trung tâm - Quan hệ đối tác vì một ASEAN thông minh hơn, xanh hơn và bao trùm hơn”; khẳng định cam kết mạnh mẽ của OECD và các nước Đông Nam Á trong việc tăng cường hợp tác nhằm phục hồi kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và tăng trưởng xanh.
Tại Lễ bế mạc Hội nghị, Việt Nam và Australia đã chính thức tiếp nhận vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP nhiệm kỳ 2022-2025 từ Thái Lan và Hàn Quốc.
Phát biểu ngay sau khi đảm nhận trọng trách này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn các thành viên OECD và ASEAN; khẳng định Việt Nam vinh dự được tín nhiệm lựa chọn đảm nhiệm vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP trong giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực ASEAN.
Đánh giá cao vai trò lãnh đạo và đóng góp của hai Đồng Chủ tịch nhiệm kỳ 2018-2021 là Hàn Quốc và Thái Lan, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Australia, Ban Thư ký OECD và các thành viên tiếp tục thúc đẩy hoạt động của Chương trình SEARP nhằm đóng góp thiết thực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực, với phương châm xuyên suốt là đặt người dân ở vị trí trung tâm của phục hồi và phát triển./.
DIỆU THIỆN