Việt Nam và Ngân hàng Thế giới hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp

(BKTO) - Ngân hàng Thế giới (WB) mong muốn phối hợp với Việt Nam để có được ngành nông nghiệp phát thải các-bon thấp trong tương lai; đồng thời sẵn sàng phối hợp trong việc thiết kế, tài trợ các chương trình với những mục tiêu và quy mô lớn hơn…



                
   

Việt Nam đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Tại buổi làm việc với bà Carolyn Turk - Giám đốc WB tại Việt Nam ngày 23/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay Việt Nam đã định vị mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững; đồng thời, Việt Nam đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo sự kết hợp đa giá trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ tư vấn chính sách, chiến lược, đổi mới thể chế sâu sắc hơn cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi nông nghiệp bền vững như trong Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016 của WB đã công bố gần đây.

Các định hướng ưu tiên bao gồm: lĩnh vực thủy sản, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu (tập trung các tỉnh ven biển và vùng đồng bằng sông Cửu Long); công trình phòng chống thiên tai; an toàn đập và hạ tầng thủy lợi thiết yếu phục vụ sản xuất; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, giáo dục đại học.

“Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WB trong việc triển khai các nội dung đề xuất; đề nghị WB phối hợp, hỗ trợ chuyên gia, tài chính trong quá trình xây dựng, chuẩn bị dự án. Bộ sẽ thực hiện công tác điều phối và phối hợp các địa phương theo quy định hiện hành” - Bộ trưởng khẳng định.

Bà Carolyn Turk cho biết, WB là đối tác chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong 25 năm qua và mối quan hệ này sẽ ngày càng gắn bó hơn trong thời gian tới. WB sẵn sàng phối hợp với Bộ trong việc thiết kế, tài trợ các chương trình với các mục tiêu và quy mô lớn hơn như: nông nghiệp các-bon thấp, tăng cường tính chống chịu vùng ven biển, nước sạch nông thôn, an ninh nguồn nước và quản lý nước thải...

Theo bà Carolyn Turk, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được thành công trong đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân, tăng năng suất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các yếu tố tác động đến vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng được quan tâm trong thương mại nông sản.

“Việt Nam là quốc gia có sản lượng gạo lớn, xuất khẩu vào nhóm hàng đầu thế giới nhưng đây là sản phẩm có lượng phát thải các-bon cao. WB mong muốn có thể phối hợp với Việt Nam để có được ngành nông nghiệp phát thải các-bon thấp trong tương lai” - bà Carolyn Turk chia sẻ; đồng thời nhấn mạnh, người tiêu dùng rất ưa chuộng và sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nông sản có lượng phát thải các-bon thấp.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Việt Nam và Ngân hàng Thế giới hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp