VPSAS tạo khuôn mẫu quan trọng cho lĩnh vực kế toán nhà nước

(BKTO) - Bộ Tài chính vừa công bố 5 Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam (VPSAS) đợt 1. Các chuẩn mực này được xây dựng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ Chuẩn mực Kế toán công quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.



                
   

Các đại biểu tham dự Hội nghị qua phần mềm Zoom. Ảnh: Bộ Tài chính

   


Ban hành VPSAS - yêu cầu tất yếu

Tại Hội thảo công bố 5 VPSAS đợt 1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, việc xây dựng và công bố VPSAS là tất yếu khách quan, xuất phát từ nhu cầu quản lý thống nhất về tài chính nhà nước, yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như việc kiểm tra, giám sát hoạt động kế toán nhà nước, tạo ra khuôn mẫu quan trọng cho lĩnh vực kế toán nhà nước, góp phần quản lý, quản trị ngày càng tốt hơn nền tài chính quốc gia ở tầm vĩ mô và vi mô.

Việc ban hành và áp dụng VPSAS ở Việt Nam còn là cơ sở tin cậy để đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính công, tăng hiệu quả quá trình đưa ra quyết định và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Hoạt động này cũng hỗ trợ Việt Nam cải thiện việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm cao hơn nhờ có kỷ luật tài chính tốt hơn, qua đó giúp giảm chi phí vốn vay.

Đại diện nhà tài trợ chương trình xây dựng VPSAS, bà Steffi Stallmeister - Giám đốc Điều hành hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết, hơn 40 quốc gia trên thế giới đã áp dụng Chuẩn mực Kế toán công quốc tế, trong đó có Malaysia, Philippines, Singgapore…

Chúc mừng và hoan nghênh Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam đã hoàn thiện và công bố 5 VPSAS đợt đầu, đại diện Ngân hàng Thế giới nhận định, đây là thành tựu quan trọng giúp đánh giá kết quả tài chính, chi đầu tư, quản lý tài sản công, hiểu rõ hơn về nợ cũng như các nhiệm vụ khác của Chính phủ.

Việc ban hành VPSAS sẽ giúp nâng cao khả năng đánh giá chế độ kế toán, tài chính, NSNN trong khu vực công của Việt Nam.

Báo cáo tài chính dựa trên các chuẩn mực kế toán sẽ cung cấp thông tin tài chính tin cậy, nâng cao tính minh bạch của hệ thống tài chính công, tạo điều kiện cho các đơn vị đảm bảo trách nhiệm giải trình với các cơ quan có thẩm quyền.

Với bước tiến lớn trong việc cải thiện công tác lập báo cáo tài chính khu vực công, uy tín của Chính phủ cùng với niềm tin và sự tin tưởng của công chúng đối với công tác quản lý tài chính công sẽ được nâng cao rõ rệt.

Đồng quan điểm, ông Werner Gruber - Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam - nhấn mạnh: Việc sử dụng nguồn lực công hiệu quả, minh bạch là vô cùng cần thiết.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã khiến Chính phủ Việt Nam gặp nhiều áp lực về thực hiện chính sách tài khóa, cơ quan có thẩm quyền càng cần thông tin tin cậy để đánh giá, phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Việc áp dụng VPSAS tại Việt Nam là mốc quan trọng trong các nỗ lực của Chương trình Quản lý tài chính công hướng tới cải thiện hiệu quả chi tiêu công và tăng cường quản lý nguồn lực công để phát triển bao trùm và bền vững.
                
   

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Bộ Tài chính

   

Sẽ công bố 4 đợt VPSAS trong giai đoạn 2021-2024

Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) - cho biết thêm: Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng và công bố hệ thống VPSAS trên cơ sở Chuẩn mực Kế toán công quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Áp dụng VPSAS cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công với mục tiêu thiết thực, đảm bảo yêu cầu hội nhập kinh tế của đất nước; đồng bộ với việc cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính công của Việt Nam. Đây là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ.

Hệ thống VPSAS là căn cứ để Bộ Tài chính ban hành hệ thống chế độ kế toán, hướng dẫn cụ thể, phù hợp với từng loại hình đơn vị, các cơ chế chính sách về tài chính công và NSNN.

Việc áp dụng các quy định theo thông lệ chung sẽ tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, thu hút nguồn lực bên ngoài, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị kế toán công.

Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng và công bố các chuẩn mực ít sửa đổi, bổ sung so với Chuẩn mực Kế toán công quốc tế trước.

Các chuẩn mực phức tạp hơn, có nhiều khác biệt hơn, cần nhiều thời gian nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung về cơ chế tài chính hoặc phụ thuộc vào việc bổ sung, sửa đổi pháp luật có liên quan sẽ được ban hành sau.

Theo đó, giai đoạn 2021-2024, Bộ Tài chính sẽ công bố 4 đợt với 21 VPSAS. Sau năm 2024, Bộ sẽ công bố các chuẩn mực có những khác biệt lớn, phù hợp với điều kiện Việt Nam./.
         
5 Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam đợt 1 gồm: Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01 "Trình bày báo cáo tài chính"; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 02 "Báo cáo lưu chuyển tiền tệ"; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 "Hàng tồn kho"; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 17 "Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị"; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 31 "Tài sản vô hình"./.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
VPSAS tạo khuôn mẫu quan trọng cho lĩnh vực kế toán nhà nước