Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì Họp báo - Ảnh: VGP |
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, theo thông tin tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, 35 gia đình xác nhận thông tin có dấu hiệu liên quan đến 39 người tử vong tại Anh. Việc xác định danh tính phải theo quy định của Anh quốc. Sau khi xác định danh tính theo quy định của pháp luật và phong tục tập quán nước sở tại, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ phối hợp với các địa phương thông báo cho gia đình các nạn nhân kết quả xác định danh tính.
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, mở đầu phiên họp Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình các nạn nhân; Chính phủ cam kết sẽ nỗ lực hết mình để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát to lớn này.
Đây là vụ việc rất đau lòng, gây bàng hoàng cho người thân, gia đình các nạn nhân cũng như nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Ngay khi sự việc xảy ra, từ Nhật Bản, ngày 25/10, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân, điều tra, có biện pháp cần thiết phối hợp với Anh trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trực tiếp họp với các cơ quan về các biện pháp xử lý tiếp theo. Ngày 03/11, Bộ Ngoại giao đã cử Thứ trưởng Tô Anh Dũng, Bộ Công an cũng cử đoàn cán bộ sang Anh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trực tiếp trao đổi với Anh. Danh tính các nạn nhân sẽ sớm được công bố chính thức.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhất là Hà Tĩnh, Nghệ An và các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ để xử lý, trước hết động viên thân nhân địa phương bằng các biện pháp thích hợp nhằm bù đắp nỗi đau của gia đình các nạn nhân và hỗ trợ trong khả năng. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng làm hết sức mình để bảo hộ công dân, đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các công việc cần thiết, trong phạm vi có thể để phối hợp với Anh sớm xác minh danh tính những người thiệt mạng, đưa họ về quê hương và sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những người phải chịu trách nhiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh: Đây cũng là bài học kinh nghiệm cần thiết trong công tác quản lý bởi chúng ta khẳng định đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam lên án mạnh mẽ loại tội phạm này, kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời rất mong người dân nâng cao nhận thức để không bị dụ dỗ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết thêm, tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài.
Hiện, cả nước có gần 400 DN được cấp phép đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. 5 hình thức đi lao động nước ngoài hợp pháp là: các DN Việt Nam được cấp phép; hợp tác với DN, tập đoàn, công ty của 32 nước có hợp tác; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài nhưng vẫn đăng ký qua Sở LĐTB&XH, cơ quan quản lý người lao động ở nước ngoài; hợp tác đào tạo, liên kết giữa 2 bên cấp phép; trao đổi lao động giữa các địa phương ở 2 quốc gia trong ngắn hạn.
Theo ông Dung, 3 năm qua, mỗi năm Việt Nam có trên 100.000 người đi lao động nước ngoài, trong đó năm 2018 là cao nhất với 143.000 lao động, chủ yếu tại 4 quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia. Riêng châu Âu, Việt Nam đã ký hợp tác với Rumani và Đức, trong đó, năm 2018 và đầu năm 2019, khoảng 3.000 người sang Rumani và 1.066 lao động là điều dưỡng viên sang Đức.
“Tôi đã vào nơi các lao động làm việc, kiểm tra nơi ăn ở. Nói chung, cuộc sống tốt, mức thu nhập 2.600 euro/tháng, sau khi trao đổi dự kiến nâng lên 3.000 euro/tháng/1 người” - ông Dung nói.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước đưa người lao động đi nước ngoài bảo đảm minh bạch, công khai về địa bàn, mức thu phí, mức lương từng DN, người được DN đưa đi đều được cấp Visa, có chính sách bảo hộ công dân, bảo hiểm xã hội…
Ông Dung cũng lưu ý: Hiện nay, có hiện tượng DN không được cấp phép nhưng liên doanh, liên kết trá hình để làm “cò mồi” hoặc đưa lao động đi nước ngoài trái phép. Thời gian qua, Bộ đã tiến hành thanh, kiểm tra 118 DN, thực hiện thu hồi, đình chỉ hoặc cấm vĩnh viễn một số DN vi phạm, kể cả DN có truyền thống, bề dày hoạt động 25 năm. Có DN hoạt động trái phép, Bộ chuyển cơ quan điều tra xử lý. Đặc biệt, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thống nhất: nếu DN nào vi phạm thì cả hai đầu tiếp nhận và cử người đi đều bị xử lý. Bộ cũng xử lý sai phạm đối với địa bàn có nhiều người đi nhưng không chịu về, trốn ở lại làm việc khi hết hạn. Nhiều biện pháp xử lý đã được áp dụng như: Ký quỹ, đình chỉ tạm thời không cho một số địa phương cử người đi (hiện có 48 huyện, 11 tỉnh không được cho lao động đi Hàn Quốc), các DN vi phạm cũng bị đình chỉ…
Người đứng đầu Bộ LĐTB&XH khuyến cáo nhân dân, thanh niên có kế hoạch lao động nước ngoài nên đi theo con đường hợp pháp thông qua cơ quan được cấp phép và ký hợp tác ở nước sở tại, được bảo hộ công dân, có Visa, giấy phép lao động, có mức lương, có thoả thuận. Cơ quan chức năng cũng hỗ trợ đứng ra thoả thuận với các nước về lương, thuế phải nộp…
“Bộ có công khai tên, danh sách các đơn vị được cấp phép. Do đó, bà con không nên đi theo đường bất hợp pháp hay qua các DN không được cấp phép” - ông Dung nhấn mạnh.
XUÂN HỒNG