Vững vàng trong điều hành kinh tế

(BKTO) - Tăng trưởng GDP năm2016 của Việt Nam đang đứng trước những thách thức từ chính nội tại nền kinhtế, cộng thêm các yếu tố bất lợi từ bên ngoài. Trong bối cảnh ấy, để đạt đượcmục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội đề ra, các chuyên gia kinh tế đã đặc biệtnhấn mạnh tới vai trò điều hành, chèo lái của Chính phủ mới.




Giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 Quốc hội đề ra là thách thức không nhỏ trong công tác điều hành của Chính phủ.Ảnh: TS

Phía sau con số 5,46% GDP quý I/2016

Nhìn lại mức tăng trưởng GDP 5,46% trong quý I/2016 (số liệu của Tổng cục Thống kê), mới đây, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra bình luận: “Kinh tế quý I/2016 chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể từ năm 2012 đến nay. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tăng trưởng GDP quý I thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm trước”.

Lý giải “bức tranh kinh tế có phần xám màu hơn trước”, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp vốn đã rất thấp trong 2-3 năm gần đây, nay lại tăng trưởng âm trong quý I, điều này đã phần nào làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phân tích sâu hơn nguyên nhân khiến lĩnh vực nông nghiệp giảm 1,23%, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã nhấn mạnh tới yếu tố hạn hán, xâm nhập mặn, sản lượng lúa, năng suất nuôi trồng thủy sản đều giảm đáng kể.

Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp, theo các chuyên gia kinh tế, nhiều chỉ số khác cũng đã phản ánh kinh tế Việt Nam quý I/2016 vẫn còn khó khăn, thách thức. Cụ thể, khu vực công nghiệp có mức tăng trưởng khá khoảng 6,7% nhưng thấp hơn quý I/2015, trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 1,2%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,9% nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; tốc độ tăng xuất khẩu chỉ khoảng 4,1%, thấp hơn so với cùng kỳ 2015; nhập khẩu giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

DN vốn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhưng khó khăn về ngân sách, tài chính lại đang là rào cản đối với DN. Nói theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, những điều kiện để DN tiếp tục đà phục hồi của 2 năm trước đang dần mất đi. Chẳng hạn, sự lệch lạc trong phân bổ vốn giữa khu vực bất động sản với khu vực sản xuất, giữa dòng vốn ngắn hạn và dài hạn khiến ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn ngay từ đầu năm, tạo cú hích khiến mặt bằng lãi suất tăng lên. Cùng với đó là hiện tượng lấn át trên thị trường vốn bởi NSNN bị thâm hụt. Để tài trợ cho thâm hụt ngân sách, Nhà nước phải phát hành trái phiếu chính phủ và tiếp tục vay nợ. Khi nền kinh tế chỉ cung ứng một lượng vốn nhất định, DN muốn có được nguồn vốn phải cạnh tranh với Chính phủ, tức là phải tăng lãi suất vay cao hơn. Đó là bằng chứng cho thấy trong quý I vừa qua, DN giải thể nhiều.

Thách thức giữ vững mục tiêu tăng trưởng

Những thách thức từ nội tại nền kinh tế trong quý I/2016 và sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu là cơ sở để Ngân hàng Thế giới (WB) và một vài ngân hàng khác hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Cụ thể, tại buổi công bố báo cáo tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương ngày 11/4, WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016 từ mức 6,5% xuống 6,2%. Trước đó, Ngân hàng HSBC cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay của nước ta từ 6,7% xuống còn 6,3%.

Giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 mà Quốc hội đề ra là thách thức không nhỏ trong công tác điều hành của Chính phủ. Quan ngại các yếu tố bất lợi trong và ngoài nước có thể ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp. Ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB khuyến nghị: trong ngắn hạn, Chính phủ cần tìm ra nguồn thu mới cho túi tiền của Trung ương và địa phương; chú trọng hơn quá trình cải cách khối DNNN và ngành ngân hàng. Trong trung hạn, cần xây dựng mối liên hệ thân thiết, tương hỗ tốt hơn giữa khối DN tư nhân với DN FDI bởi đây là động lực cho tăng trưởng kinh tế và có kế hoạch giảm tỷ lệ bội chi nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách.

Trong bối cảnh bội chi ngân sách, nợ công tăng cao, nhiều chuyên gia trong nước cũng đã đưa ra những cảnh báo và đồng thời đề cao vai trò điều hành của Chính phủ. “Hiện nay các khoản vay của chúng ta đã tăng lên nhanh chóng và nếu chi thường xuyên không được cắt giảm rất có thể sẽ tiếp tục gây khó khăn, phức tạp đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình trạng DN đóng cửa, phá sản tăng lên…

Tất cả đòi hỏi Chính phủ với bộ máy điều hành mới phải quyết tâm vượt khó để thực hiện các cải cách cần thiết trong thời gian tới” - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh. Tương tự, chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cũng dự báo nếu ngân sách tiếp tục thâm hụt ngày càng lớn và phải huy động nguồn lực xã hội để tài trợ thì sẽ làm suy giảm đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như niềm tin của giới tài chính quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng tới tổng đầu tư toàn xã hội.

Mặt khác, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã giúp ổn định thanh khoản, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém nhưng nợ xấu và sự hạn chế về tiềm lực tài chính của các ngân hàng vẫn đang là vấn đề lớn. “Trước hai rủi ro ấy, liệu chúng ta có tiệm cận được chu kỳ tăng trưởng dài hạn như mong muốn? Tất cả phụ thuộc vào chất lượng điều hành của Chính phủ - một Chính phủ mới có trách nhiệm cao” - TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Vững vàng trong điều hành kinh tế