Hàng trăm vụ việc thi hành án vẫn đang vướng mắc
Theo Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự - ông Đặng Văn Huy, giá trị kinh tế liên quan đến các vụ án về tín dụng ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các vụ việc, các vụ án mà các cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành (chiếm trên 50% số tiền trong tổng số tiền phải thi hành chung của tất cả các loại án).
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho hay: Thời gian qua, Tổng cục thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đã tích cực, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng.
Tuy nhiên, theo ông Long, thực tế vẫn còn nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ xấu của các ngân hàng. Tổng hợp số liệu của 15 ngân hàng hội viên cho thấy, đến nay, có 399 vụ việc thi hành án gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung tại các địa bàn lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An...
Án tín dụng chưa thể giải quyết bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, rõ ràng.
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng chia sẻ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong kê biên tài sản bảo đảm (TSBĐ là bất động sản có sai lệch về diện tích mà tổ chức tín dụng (TCTD) đề nghị kê biên hoặc TSBĐ có tài sản gắn liền với đất của thửa liền kề xây chồng lấn; kê biên TSBĐ là xe ô tô mà TCTD đề nghị kê biên nhưng không xác minh được xe...
Thêm nguyên nhân gây chậm trễ, bế tắc trong việc thi hành án tín dụng được bà Tạ Thị Hồng Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ 11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - chỉ ra, đó là do tài sản thế chấp, do bản án tuyên không rõ, dẫn đến khó thi hành, khó cưỡng chế, chưa có căn cứ để ra quyết định… Đây là những lý do khách quan dẫn đến việc khó thi hành của cơ quan thi hành án dân sự đối với các vụ việc tín dụng ngân hàng.
Kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, bà Tạ Thị Hồng Hoa đề xuất đa dạng hóa các phương pháp phối hợp để nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, bà Hoa kiến nghị Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, quy định.
Liên quan đến cơ chế thi hành án tín dụng, ông Nguyễn Thành Long đề nghị Tổng cục Thi hành án xem xét đề xuất sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và các quy định liên quan, cụ thể là các quy định về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế thi hành án, thời hạn tối đa cơ quan thi hành án phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, thủ tục đấu giá rút gọn, tạm ngưng thi hành án, ủy thác xử lý TSBĐ, xử lý các tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp...
Theo đề xuất của ông Long, cơ quan thi hành án phải xử lý tất cả tài sản thế chấp để thu hồi các khoản vay của khách hàng mà không yêu cầu ngân hàng xác định lại tỷ lệ, phạm vi bảo đảm của tài sản thế chấp trong trường hợp một TSBĐ cho nhiều khoản vay hoặc một khoản vay được bảo đảm bằng nhiều tài sản.
Đối với các trường hợp khiếu nại về thi hành án, ông Long khuyến nghị cần quy định cụ thể những trường hợp nào người có thẩm quyền khiếu nại sẽ ra quyết định tạm ngừng thi hành án, tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi về thi hành án. Quy định như vậy nhằm tránh việc người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình lợi dụng việc khiếu nại liên tục nhưng không có căn cứ để trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung cũng như các bản án tín dụng nói riêng, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định 62).
Đối với Dự thảo sửa đổi Nghị định 62, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - góp ý: Khi đương sự có yêu cầu, chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự hoặc ngoài trụ sở đối với các trường hợp đương sự yêu cầu chứng kiến thỏa thuận tại nơi cư trú của người phải thi hành án, nơi có tài sản thi hành án. Văn bản thỏa thuận phải có chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc tổ dân phố nơi chứng kiến thỏa thuận. Theo bà Phương, quy định như vậy là không cần thiết trong nhiều trường hợp, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện việc hòa giải.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng đề nghị các cơ quan có liên quan hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc tại Nghị định 62 về xác minh, kê biên tài sản đối với một số tài sản đặc thù như tàu, ô tô… khi các tài sản này di chuyển liên tục trên các địa bàn khác nhau. Việc sớm tháo gỡ các vướng mắc sẽ giúp công tác thi hành án tín dụng được hiệu quả, tạo thuận lợi cho các ngân hàng thu hồi nợ xấu./.