Toàn cảnh buổi làm việc của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi và Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam. Ảnh: ĐỨC MINH. |
Bộ Tài chính đánh giá cao hỗ trợ của WB trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ kỹ thuật về giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai.
Các hỗ trợ này đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường năng lực quản lý tài sản công, xây dựng chiến lược tài chính phòng, chống, ứng phó rủi ro thiên tai, bảo hiểm rủi ro thiên tai cho Việt Nam...
Thứ trưởng đề nghị WB tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trong việc cung cấp kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp bảo vệ NSNN để hoàn thiện các quy định về thể chế hóa các định hướng chính sách, xây dựng cơ chế một cách hiệu quả, đề phòng, hạn chế tổn thất thiên tai gây ra đối với tài sản công, cơ sở hạ tầng.
Thứ trưởng cũng đề nghị WB hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển thị trường vốn, như: hỗ trợ hoàn thiện khung khổ pháp lý về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN, các công ty xếp hạng tín nhiệm, Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện; nghiên cứu hỗ trợ phát triển ngành quỹ trong nước và các giải pháp tăng cường cơ sở đầu tư, đặt biệt là nhà đầu tư tổ chức.
Đồng thời, nghiên cứu và hỗ trợ để phát hành các báo cáo khuyến nghị, hướng dẫn về phát triển các sản phẩm chứng khoán xanh/bền vững và thực hành đầu tư có trách nhiệm về môi trường, xã hội; tiếp tục kết nối, triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho thị trường chứng khoán...
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Carolyn Turk chúc mừng Bộ Tài chính đã nỗ lực trong việc củng cố hoạt động của thị trường tài chính; đồng thời cho biết, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan đến các giải pháp về bảo hiểm cũng như tài chính ứng phó thiên tai bền vững.
Theo bà Carolyn Turk: WB đã có quan hệ lâu dài và hợp tác hiệu quả với Bộ Tài chính Việt Nam. WB sẽ hỗ trợ Bộ Tài chính các dự án trong khuôn khổ chương trình mới được phê duyệt là chương trình dịch vụ hỗ trợ tư vấn và phân tích. Chương trình có 2 trụ cột chính là tài chính, rủi ro thảm họa và phát triển thị tường tài chính vốn.
Theo bà Carolyn Turk, đây là những nội dung trung tâm trong việc cung cấp giải pháp về tài chính để giải quyết thảm họa của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như vấn đề biến đổi khí hậu.
Đồng thời, thị trường vốn và sự phát triển của thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng để giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân hàng, đảm bảo có mức độ vốn phù hợp, đặc biệt là thị trường vốn lâu dài phục vụ cho phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 và phát triển nói chung./.
THÙY ANH