Xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa: Trọng trách của KTNN ngày càng lớn

(BKTO) - Với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được quy định trong Luật KTNN 2015, KTNN đã và đang nỗ lực phát huy vai trò trong việc kiểm toán kết quả tư vấn định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước cổ phần hóa. Trong thời gian tới, trọng trách của KTNN càng lớn hơn khi có rất nhiều DNNN lớn phải được kiểm toán trước khi quyết định giá trị DN.



Kết quả kiểm toán - căn cứ quan trọng để định giá DN

Kết quả kiểm toán của KTNN có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở, căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định công bố giá trị DNNN phục vụ cho cổ phần hóa. Theo quy định hiện hành, DN cổ phần hóa có tổng giá trị tài sản theo sổ kế toán từ 30 tỷ đồng trở lên hoặc giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên phải thuê các tổ chức định giá (công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, DN thẩm định giá trong và ngoài nước) thực hiện tư vấn xác định giá trị DN. Ngoài việc xem xét báo cáo kết quả định giá DN có phản ánh trung thực, hợp lý trên cơ sở thực tế của đơn vị hay không, KTNN còn xem xét việc tổ chức tư vấn định giá sử dụng các phương pháp định giá có phù hợp với tình hình hoạt động và thực trạng của DN được xác định giá trị hay không.

Kết quả kiểm toán của KTNN cũng là nguồn thông tin tin cậy để các cơ quan dân cử thực hiện thẩm quyền giám sát hoạt động cổ phần hóa DNNN. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN phát hiện các hành vi gian lận, vi phạm chính sách, chế độ về xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính, các hiện tượng tiêu cực làm thất thoát tài sản nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa các DNNN.

Theo đó, một mặt KTNN góp phần minh bạch hoạt động cổ phần hóa DNNN nói chung và xác định giá trị DN, xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa nói riêng. Mặt khác, từ những kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, KTNN còn giúp Chính phủ, các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế, chính sách cổ phần hóa DNNN, xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính.

Từ thực tiễn, bà Đào Thị Thu Vĩnh, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII kiến nghị, phạm vi kiểm toán có thể được mở rộng khi cần thiết, không nên chỉ giới hạn trong việc kiểm toán kết quả xác định giá trị DN của tổ chức tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa. Bởi đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán nên quá trình cổ phần hóa DNNN thành công ty cổ phần cần phải được kiểm toán để tránh thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước.

Đề xuất nhiều giải phápđể hoàn thành tốt nhiệm vụ

Theo ý kiến của một số đơn vị trong ngành, kiểm toán kết quả tư vấn định giá DN trong quá trình cổ phần hóa tuy không phải là nhiệm vụ thường xuyên của KTNN nhưng rất quan trọng. Vì vậy, “KTNN nên phát triển một số kiểm toán viên nhà nước trở thành chuyên gia giỏi về việc thẩm định giá trị DN. Đội ngũ này đóng vai trò nòng cốt, tiên phong thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn khó, phức tạp” - ông Nguyễn Hữu Hiểu, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đề xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc kiểm toán xác định giá trị DN và tư vấn cổ phần hóa thường không được xây dựng từ năm trước và giao kế hoạch từ đầu năm, mà thường được bổ sung, giao nhiệm vụ trong năm khi đơn vị có đề nghị. Do đó, để tạo sự chủ động, các KTNN chuyên ngành, khu vực cần nắm bắt được thời điểm xác định giá trị DN để cổ phần hóa và kế hoạch thực hiện định giá của các DN thuộc phạm vi chịu trách nhiệm kiểm toán. Như vậy, đơn vị có thể dự phòng kiểm toán viên và thời gian thực hiện nếu như nhiệm vụ này chưa được giao từ đầu năm.

Liên quan đến việc bố trí thời gian và nhân sự cho đoàn kiểm toán, ông Nguyễn Đức Tín, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV nêu ý kiến: Khi lập kế hoạch kiểm toán cần bố trí thời gian cuộc kiểm toán theo hướng tăng thời gian kiểm toán tại đơn vị tư vấn xác định giá trị DN, đảm bảo thời gian cho việc xem xét, đánh giá các thông tin, số liệu, tài liệu, căn cứ do đơn vị thu thập, các thủ tục thẩm định giá mà đơn vị này đã thực hiện để đưa ra ý kiến tư vấn về giá trị DN.

Hơn nữa, cần bố trí kiểm toán viên có chuyên môn về xây dựng cơ bản khi DN được cổ phần hóa có tài sản là nhà cửa, hạ tầng kỹ thuật… Ngoài ra, trong đoàn kiểm toán nên có các kiểm toán viên đã từng tham gia kiểm toán Báo cáo tài chính năm gần với thời điểm xác định giá trị DN do đã hiểu rõ về hoạt động, tình hình tài sản, nguồn vốn của DN này.

“Để khắc phục tình trạng thiếu thông tin làm cơ sở cho việc so sánh, đánh giá tính hợp lý của giá thị trường, chất lượng còn lại của tài sản được định giá do tổ chức tư vấn xác định giá trị DN đề nghị, trong trường hợp kiểm toán viên nghi ngờ có sự chênh lệch đáng kể, có thể gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, đoàn kiểm toán nên tổ chức thu thập thông tin về giá cả từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng cần định giá hoặc từ các cơ quan quản lý giá, thống kê, thậm chí thuê tổ chức có chuyên môn khác hoặc chuyên gia để xác định lại chất lượng còn lại của tài sản” - ông Tín đề xuất.

Đồng quan điểm với bà Đào Thị Thu Vĩnh, đại diện KTNN khu vực IV cũng cho rằng: KTNN cần ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn kiểm toán xác định giá trị DN và xử lý tài chính khi cổ phần hóa DNNN. Đồng thời, cần tổ chức thêm các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về công tác thẩm định giá trị DNNN trước cổ phần hóa.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 52 ra ngày 27-12-2017
Cùng chuyên mục
Xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa: Trọng trách của KTNN ngày càng lớn