Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự phù hợp, tránh tình trạng chỉ định nhập viện tùy tiện

(BKTO) - Tại Hội thảo trao đổi trực tuyến về DRG (chi phí khám, chữa bệnh theo nhóm chẩn đoán liên quan) do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra những bất cập trong việc chỉ định nhập viện của hệ thống y tế Việt Nam hiện nay đồng thời đề xuất các giải pháp, đặc biệt là việc xây dựng bộ tiêu chí nhằm nâng cao tính phù hợp trong việc chỉ định nhập viện điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB).



Chi cho điều trị nội trú chiếm tỷ lệ lớn

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Sarah Bales - chuyên gia tư vấn của WB cho biết, tỷ lệ nhập viện ở Việt Nam đang ở mức tương đối cao (trên 120 lượt/1000 dân vào năm 2018). Song song đó, xu hướng lựa chọn cơ sở KCB nội trú ngày càng tập trung ở tuyến trên. Số ngày điều trị nội trú bình quân của Việt Nam cũng đang ở mức khá cao so với các nước trong khu vực. Chi cho dịch vụ nội trú chiếm 50,6% tổng chi thường xuyên cho y tế (năm 2017), và 63,3% chi bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2018 là chi cho nội trú.

Theo ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán Đa tuyến (Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam): Lý do khiến tỷ lệ điều trị nội trú và ngày điều trị bình quân ở Việt Nam tăng là do các cơ sở KCB tự chủ tài chính và tiền lương nằm trong giá tiền giường, chiếm đến 54-56%. Tức là càng nhiều bệnh nhân vào điều trị nội trú và càng nằm lâu thì tiền lương cho nhân viên y tế càng cao. Đây là một vấn đề đang đặt ra.

“Một dẫn chứng cụ thể là tỷ lệ bệnh nhân xuất viện và vào viện các ngày trong tuần theo thống kê trên cả nước: thứ Hai và thứ Ba là ngày bệnh nhân ra viện nhiều nhất; thứ Bảy, Chủ nhật là thấp nhất. Đa phần bệnh nhân xuất viện vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật là các bệnh nhân tại bệnh viện sản sau khi sinh con” - ông Dương Tuấn Đức chỉ rõ.
                
   

Cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự phù hợp của việc chỉ định nhập viện - Ảnh: internet

   

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Sarah Bales cho biết, lượt nội trú được xác định do bác sĩ chỉ định nhập viện. Ở các nước, thường chỉ nhập viện cấp tính khi bác sĩ thấy người bệnh có nhu cầu ở lại bệnh viện điều trị từ một đêm trở lên. Đối với mỗi đợt nội trú, bác sĩ chỉ định nhập viện phải ghi rõ trong hồ sơ bệnh án đủ thông tin để chứng minh nhu cầu lâm sàng cho người bệnh phải nhập viện. Hiện có nhiều bộ tiêu chí hỗ trợ quyết định lâm sàng khác nhau, trong đó có công cụ đánh giá sự phù của việc chỉ định nhập viện (AEP) đang được sử dụng ở nhiều quốc gia.

Đối chiếu các tiêu chí lâm sàng quyết định nhu cầu nhập viện đang được áp dụng, bà Sarah chỉ ra rằng, hầu hết các tiêu chí Việt Nam áp dụng chỉ liên quan đến bệnh lý, không có tiêu chí liên quan cường độ cần chăm sóc/điều trị. Các tiêu chí ở Việt Nam cũng chưa có ngưỡng định lượng, nhiều tiêu chí không phân biệt nhu cầu nhập viện. Việt Nam cũng chưa quy định cụ thể rằng bác sĩ phải ghi rõ lý do lâm sàng khiến chỉ định nhập viện.

“Trong quyết định số 4210/QĐ-BYT có nêu 4 mã lý do nhập viện gồm đúng tuyến, cấp cứu, trái truyến và thông tuyến. Tuy nhiên đây vẫn không phải lý do lâm sàng cần phải nhập viện” - bà Sarah đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Đặng Sỹ Huy- chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, ở Việt Nam, quyết định nhập viện hay không hầu như dựa vào cảm tính của bác sĩ. Chúng ta không có một tiêu chí nào để nói rằng bệnh nhân cần nhập viện hay chỉ cần điều trị ngoại trú. Các quyết định khác như: ra viện, truyền dịch cũng được đưa ra một cách cảm tính mà không có tiêu chí.

Cần xây dựng bộ tiêu chí chỉ định nhập viện

Chỉ ra thực tế trên, đại diện WHO cho rằng, Việt Nam cần thay đổi theo hướng xây dựng những quy chuẩn, bộ tiêu chí cụ thể tương tự như AEP. Theo đó, những tiêu chí này không chỉ thuộc về chuyên môn, lĩnh vực của Quỹ BHYT chi trả hay không chi trả, mà là vấn đề chuyên môn có lợi cho tất cả mọi bên. Bệnh nhân sẽ không cần nhập viện vì những lý do không cần thiết, tránh được những tai biến không cần thiết trong quá trình điều trị; đồng thời cũng tốt cho cả chuyên môn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, chuyên gia của WB cho rằng, có thể giảm tỷ lệ nhập viện bằng tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) đối với một số bệnh nhạy cảm với dịch vụ ngoại trú. Theo bà Sarah Bales, đợt nội trú có tiềm năng tránh được là đợt điều trị các bệnh được xác định có tiềm năng phòng bệnh hoặc chăm sóc hiệu quả và kịp thời ở tuyến CSSKBĐ tại cộng đồng. Những bệnh này cũng đồng thời được gọi là bệnh nhạy cảm với điều trị ngoại trú (ACSC).

Các phương án CSSKBĐ có thể thực hiện để tránh phải nhập viện đối với những bệnh ACSC bao gồm: giảm và quản lý các yếu tố nguy cơ bệnh tật, tiêm phòng vắc xin, khám sức khỏe nha khoa, kiểm tra sức khỏe tình dục, khám thai, chẩn đoán và kê đơn thuốc kịp thời để quản lý nhiễm khuẩn, các can thiệp về lối sống để giảm sự phát triển của bệnh mạn tính, quản lý bệnh mạn tính để làm chậm lại tiến triển bệnh và nguy cơ biến chứng, gồm cả hỗ trợ tự quản lý bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Chế độ BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, việc sử dụng chỉ số tỷ lệ nội trú tiềm năng trong giám sát công thức thanh toán theo DRG và theo định suất là phù hợp, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể đánh giá được với cơ sở dữ liệu hiện nay. Tuy nhiên nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện trong thời gian tới là xây dựng bộ tiêu chí cho việc chỉ định nhập viện, khi nào điều trị ban ngày, khi nào điều trị nội trú... “Chúng tôi rất muốn xây dựng được một tiêu chuẩn chung vì hiện mỗi bệnh viện có những tiêu chuẩn riêng cho từng bệnh, Bộ Y tế cũng chưa có quy định nào về tiêu chuẩn nhập viện. Hiện nay với hệ thống, mã cơ sở dữ liệu trên Hệ thống giám định, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được” - bà Hà cho biết.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự phù hợp, tránh tình trạng chỉ định nhập viện tùy tiện