Xây dựng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

(BKTO) - Bộ Công Thương đang thực hiện lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị góp ý cho Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng) và Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược của Chiến lược phát triển năng lượng.



                
   

Cần đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Ảnh minh họa: BCT

   

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 10 năm qua, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển mạnh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực và phù hợp với các định hướng đề ra.

Tuy nhiên, ngành năng lượng vẫn còn nhiều tồn tại và đang phải đối diện với nhiều thách thức. Thêm vào đó, bối cảnh tình hình quốc tế và đất nước đã có những thay đổi, chuyển biến đáng kể, tác động khá lớn đến sự phát triển của ngành năng lượng.

Đứng trước yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, cần có những đổi mới về tư duy và cách tiếp cận trong phát triển năng lượng quốc gia, sớm ban hành một số chủ trương, định hướng chính sách mới làm cơ sở cho xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW).

Theo đó, quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết số 55-NQ/TW là ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, song song với phát triển kinh tế đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cũng đã tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trên cơ sở Nghị quyết số 55-NQ/TW và trong bối cảnh thực hiện Cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, để ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng trên toàn thế giới, việc xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển năng lượng được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần hoạch định hướng phát triển toàn diện ngành năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường của Việt Nam.

Đó là lý do cần thiết phải xây dựng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng và Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược của Chiến lược phát triển năng lượng.

Bộ Công Thương đề xuất mục tiêu chính của Chiến lược phát triển năng lượng là đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.

Trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320-350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh.

Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 20-25% năm 2030 và 60-65% năm 2045. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105-115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160-190 triệu TOE.

Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng.

Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 12-15 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 20 tỷ m3 vào năm 2045.

Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 9% vào năm 2030 và khoảng 20% vào năm 2045.

Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 25% vào năm 2030, lên mức 70% vào năm 2045.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng nêu rõ định hướng phát triển các phân ngành năng lượng của đất nước (dầu khí, điện, than) kèm theo những giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện Chiến lược.

Trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng./.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Xây dựng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045