Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh

(BKTO) - Ngày 19/12, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” đã diễn ra tại Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài… Hội nghị cũng được tiến hành trực tuyến đến các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã tham dự Hội nghị quan trọng này.

tbt.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: D.T

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, đồng bộ, hiệu quả. Qua đó đã góp phần củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước.

Trong năm 2023, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và đón gần 50 đoàn lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tới thăm, tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.

Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn. Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà và Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã phát biểu tham luận. 

Theo đó, các ý kiến phát biểu đã nhấn mạnh những kết quả đối ngoại đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành ngoại giao với các ngành trong kiến nghị, triển khai, đề xuất những phương hướng, biện pháp nhằm thực hiện thành công những nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội Đảng XIII đã đặt ra.

tc.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: D.T

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, trong gần 3 năm qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên tổ chức vào tháng 12/2021, ngành ngoại giao và đối ngoại cả nước đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước, là niềm tự hào, tiếp thêm động lực và niềm tin cho công tác đối ngoại trong thời gian tới.

Trong đó, các kết quả nổi bật là đã quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, phát huy thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.

Đồng thời, công tác đối ngoại cũng được triển khai đồng bộ, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các ngành, các cấp phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Nhấn mạnh, thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, ngành ngoại giao phải thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình, đánh giá kỹ các tác động đến Việt Nam, tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ, luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII.

Tổng Bí thư cũng đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, các nghị quyết của Trung ương, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể.

Về vấn đề xây dựng, phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, Tổng Bí thư yêu cầu, ngành ngoại giao phải quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận; hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, đổi mới cơ chế phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực…/.

Cùng chuyên mục
Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh