Đây là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong bài viết “Ngoại giao Việt Nam: Từ nền ngoại giao kháng chiến, kiến quốc đến nền ngoại giao toàn diện, hiện đại và phục vụ phát triển đất nước”, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2021).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG |
Ngoại giao phục vụ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, suốt 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bước vào giai đoạn đổi mới, ngoại giao cũng có cục diện đối ngoại mới, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Theo đó, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, ngoại giao đã đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế quốc gia.
Bên cạnh đó, thông qua mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, ngoại giao cùng quốc phòng và an ninh góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời mở ra nhiều thị trường, tranh thủ nhiều nguồn vốn, công nghệ và tri thức bên ngoài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đến nay, nước ta đã có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia, trong đó có 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Song song với đó, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước vươn lên trong đổi mới. Bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng hiệu quả, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo thuận lợi cho đồng bào ta ở nước ngoài tham gia phát triển quê hương, đất nước.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như trong nước, ngành Ngoại giao đã tiên phong cùng các Bộ, ngành đẩy mạnh “ngoại giao y tế”, “ngoại giao vắc xin”, tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế về vắc xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị, chung tay cùng cả nước phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
“Những thành tựu đối ngoại nói trên đã đóng góp quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có nỗ lực và đóng góp quan trọng của ngành Ngoại giao. Chính trong thời kỳ đổi mới, ngành Ngoại giao ngày càng trưởng thành và phát triển” - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước theo đường lối Đại hội Đảng XIII, nhiệm vụ của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.
Để thực hiện những nhiệm vụ nói trên, Đại hội XIII đặt ra yêu cầu “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”.
Theo đó, nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các binh chủng đối ngoại và các trụ cột của ngoại giao, đã đóng góp tích cực vào thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển của đất nước, trong đó ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nòng cốt, “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”.
“Với tư duy phục vụ, ngoại giao cùng các cấp, các ngành đã, đang góp phần mở rộng không gian phát triển, tạo thuận lợi cho người dân, địa phương và doanh nghiệp tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và tri thức, qua đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước” - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh./.
DIỆU THIỆN