Nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp
Diện mạo nông thôn đổi khác, đời sống của người dân các vùng được nâng cao… đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến các vùng nông thôn xứ Thanh những ngày cuối năm. Ngay từ những ngày đầu bắt tay thực hiện, tỉnh Thanh Hóa đã xác định XDNNT gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi bền vững cho chương trình.
Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa Ảnh: L.N
Trong 5 năm qua (2011 - 2015), tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, như: Chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ cơ giới đồng bộ; xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng… Nhờ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt hàng năm đạt 2,9%; công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn được triển khai tích cực. Từ các nguồn vốn đầu tư, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện được nhiều mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn. Một số mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho người dân.
Điều này thể hiện ở thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 11,02 triệu đồng (năm 2011) lên 20,3 triệu đồng (năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 26,96% (năm 2011) xuống còn 7,5% (năm 2015)...
Quan trọng hơn, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM tỉnh Thanh Hóa, đó là thông qua thực hiện Chương trình, tư duy sản xuất hàng hóa của người nông dân được nâng lên rõ rệt.
Chúng tôi cũng nhận thấy rõ điều này khi đến xã Quân Bình (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn). Xác định XDNTM để nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố nền tảng, trong nhưng năm qua, xã Quân Bình đã tập trung cho công tác tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng...
Hiện nay xã Quân Bình đang triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi như: Mô hình lúa theo phương pháp cải tiến gieo mạ trên nền khô, mô hình trồng ngô nếp tím, bưởi diễn…; mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản, mô hình gà thả đồi… Nhờ vậy, nếu năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ là 10,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 16%, thì đến nay thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 22,7 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giảm xuống còn 4,65%...
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Trong giai đoạn 2011-2015, tổng huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thanh Hóa đạt khoảng 61.260 tỷ đồng, chiếm 19% tổng vốn đầu tư phát triển, trong đó, nguồn lực thực hiện chương trình XDNTM là hơn 27 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp hàng nghìn km đường giao thông nông thôn; đảm bảo 100% số xã được sử dụng điện lưới quốc gia, 97,2% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên; xây mới, cải tạo, nâng cấp hàng trăm cơ sở trường học các cấp, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao xã, hoàn thành và đưa vào sử dụng 44.066 công trình cấp nước sinh hoạt và công trình vệ sinh môi trường.
Giống như ở Thanh Hóa, sự đổi thay nhờ chương trình XDNTM cũng thể hiện rõ ở Bắc Kạn - tỉnh thuộc nhóm nghèo nhất cả nước. Trong 5 năm qua, tổng nguồn lực cho chương trình XDNTM là 93.420 tỷ đồng, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 192 công trình giao thông nông thôn; cải tạo 105,7km đường điện, xây mới trạm biến áp, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia lên 94%... Trước đây, tại nhiều xã vùng cao, như xã Vũ Muộn (huyện Bạch Thông), tình trạng giao thông gần như tê liệt, nhờ có sự tiếp sức của Chương trình, cơ sở hạ tầng xã nay được đầu tư xây dựng, nâng cấp… Như lời chia sẻ của ông Đinh Quang Cảm - Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn: “Giao thông thuận tiện không chỉ giúp bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống người dân được nâng lên mà còn là động lực đổi thay ý thức khiến bà con mong muốn vươn lên thoát nghèo”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình. Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhất cả nước, với hơn 991 tỷ đồng (tính đến tháng 7/2016). Tính bình quân mỗi xã nợ 5 - 6 tỷ đồng, cá biệt một số xã có số nợ lớn, như: Quý Lộc, Định Tân (Yên Định); Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa); Nga An (huyện Nga Sơn) gần 20 tỷ đồng/xã; Đông Văn (huyện Đông Sơn) hơn 10 tỷ đồng… Để giải quyết vấn đề nợ đọng trong XDNTM, tỉnh Thanh Hóa đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương trả nợ như: Để lại 100% tiền bán quyền sử dụng đất cho các xã điểm XDNTM của tỉnh và để lại 70% tiền bán quyền sử dụng đất cho các xã XDNTM; huy động các nguồn hợp pháp khác của xã để trả nợ xây dựng cơ bản…
Còn tại tỉnh Bắc Kạn, những vướng mắc nổi lên trong quá trình thực hiện chương trình chủ yếu liên quan đến bộ tiêu chí thực hiện. Cụ thể, quy định mỗi cán bộ xã đạt chuẩn là phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, có một bằng chuyên môn đang gây khó khăn cho nhiều xã vùng cao nói chung. Ngoài ra, do địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt, số hộ trong một thôn không lớn, nhiều thôn chỉ có 10 đến 20 hộ gia đình, do vậy việc thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá như xây dựng nhà văn hoá, khu thể thao thôn theo quy định gặp rất nhiều khó khăn.