Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(BKTO) - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

3-thay.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngày 30/10. Ảnh: TTXVN

Lãng phí vẫn còn phổ biến

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư), Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Tháng 8/2006, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tháng 5/2012, Ban Chấp hành T.Ư (khóa XI) ban hành Kết luận số 21-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành T.Ư (khóa X); tháng 12/2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tháng 12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013; Hiến pháp năm 2013 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”...

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp và quy định của pháp luật, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ T.Ư đến địa phương đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí. Kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí góp phần đưa công cuộc đổi mới nước ta đạt nhiều thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ.

Để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiết kiệm, phòng, chống lãng phí còn thực hành chưa nghiêm, lãng phí vẫn phổ biến, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã “điểm danh” các công trình, dự án lãng phí. Đơn cử, Dự án chống ngập lụt tại TP. Hồ Chí Minh trị giá 10.000 tỷ đồng trải qua hai nhiệm kỳ, tiền Nhà nước đã bỏ ra nhưng người dân Thành phố vẫn phải chịu cảnh ngập lụt. Dự án xây dựng 2 bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam đã kéo dài hàng chục năm nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn vốn lớn của Nhà nước. Trong khi đó, người dân địa phương đang rất cần một cơ sở y tế hiện đại.

Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo Tổng Bí thư là tình trạng "có tiền không tiêu được". Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng chưa được 50% kế hoạch. Điều này dẫn đến bất cập là vốn đầu tư không giải ngân được, không đến được với dự án, thì Nhà nước lại phải đi vay tiền, thậm chí vay nước ngoài với lãi suất cao. Các chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm do quy định chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà...

Tổng Bí thư cho rằng vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó và phải có người chịu trách nhiệm. Chính phủ và Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tiềm năng của đất nước phải được đưa vào sử dụng để tạo ra của cải vật chất. "Tôi hết sức sốt ruột, không thể chậm trễ hơn được nữa. Nếu cứ đứng chờ thì lỡ mất cơ hội. Mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển phải có lộ trình, bước đi, chứ không phải tự nhiên mà đạt được" - Tổng Bí thư trăn trở; đồng thời nhấn mạnh, năm 1975, Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới khi đất nước thống nhất. Đến nay, đất nước đạt nhiều thành tựu, nhưng nhìn ra thế giới họ đã phát triển vượt bậc.

Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí

Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, nhiều nhiệm vụ mới khẩn trương, cấp bách được đặt ra đối với công tác phòng, chống lãng phí. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Chống lãng phí”, vạch rõ các dạng thức của lãng phí nổi lên gay gắt như: Thất thoát, lãng phí các nguồn lực do chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt; lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước; lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công; lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức...

Trong bài viết, Tổng Bí thư nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân lãng phí, trên cơ sở đó đưa ra 4 giải pháp trọng tâm, gồm: (1) Thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp, là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; (3) tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước; (4) xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”…

Đánh giá về bài viết, nhiều ý kiến bày tỏ, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu vấn đề này lên trong bối cảnh hiện nay, chứng tỏ rằng, ở góc độ nào đó thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành vấn đề cực kỳ quan trọng, mang tính cốt lõi cho đất nước trong thời kỳ vươn mình. Quan liêu, lãng phí bây giờ có thể gọi là “giặc nội xâm”, nguy hiểm như tham nhũng. Hành vi tham nhũng là của những người có chức quyền, nhưng lãng phí thì ai cũng có thể và đó chính là điều mà Tổng Bí thư đã đề cập đến, thể hiện việc lãng phí đang rất lớn, rất nguy hiểm, gặm nhấm niềm tin của Nhân dân.

Do đó, giải pháp tập trung xây dựng thể chế chống lãng phí là rất quan trọng. Để làm được điều đó, cần phải nhìn rõ bản chất của vấn đề, quan sát kỹ để đề ra cơ chế thiết thực, hiệu quả cho công tác phòng, chống lãng phí; phải là từ con người, từ cơ sở, bắt đầu từ những việc nhỏ rồi mới tới những việc lớn. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư đề cập đến giải pháp xây dựng văn hóa chống lãng phí là rất hay, rất mới và độc đáo. Văn hóa thể hiện trí tuệ, nhận thức và cách làm của con người và đất nước. Để xây dựng nền văn hóa chống lãng phí thì phải bắt đầu từ ý thức của mỗi con người, phải biết tự giác, tự mình, nêu gương từ trên xuống dưới, xây dựng được tính tự giác.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, muốn xây dựng văn hóa chống lãng phí phải làm rõ trách nhiệm, tìm kiếm giải pháp khắc phục để làm sao đạt được hiệu quả lớn nhất, thiết thực nhất và phải bắt đầu từ người đứng đầu. Cho nên vấn đề xây dựng văn hóa chống lãng phí sẽ là cả một quá trình. Tự bản thân mỗi người phải nhận thức và tu dưỡng, rèn luyện, thích nghi với điều đó, tiến dần tới trở thành thói quen hằng ngày của mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc sống, trở thành văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước./.

Cùng chuyên mục
  • Tổng Bí thư Tô Lâm: Không lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cản trở phát triển hoặc trục lợi
    22 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 30/10, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) để thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ sau Phiên họp thứ 26 đến nay và chủ trương xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
  • Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt tập thể cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước
    22 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 29/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp mặt thân mật với lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
  • Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ
    22 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 30/10, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương (T.Ư) - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã Thông báo đến các cơ quan báo chí về kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo diễn ra vào buổi sáng cùng ngày.
  • UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
    22 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ cao UAE mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là hợp tác phát triển năng lượng bao gồm các dự án lọc dầu, khí hoá lỏng LNG, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện năng lượng mặt trời; đồng thời mong muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sản phẩm cho cả khu vực.
  • 6 ưu tiên lớn để hiện thực hóa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - UAE
    22 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) là sự khẳng định mạnh mẽ rằng, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, khu vực Trung Đông và đất nước UAE có vị trí rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Để hiện thực hóa quan hệ Đối tác Toàn diện vừa được thiết lập, Thủ tướng đề nghị Việt Nam và UAE tăng cường hợp tác 6 ưu tiên lớn.
Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc