Cần lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện
Tờ trình Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 nêu rõ, Dự thảo Luật quy định về hoạt động mua bán điện, trong đó quy định về thị trường điện cạnh tranh, quyền và nghĩa vụ của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh; sửa đổi chủ yếu về giá điện và giá các dịch vụ về điện theo các cấp độ thị trường điện cạnh tranh, phù hợp với các chủ trương, chỉ đạo về giá điện, cơ chế điều chỉnh giá điện trong thị trường điện cạnh tranh, nguyên tắc tiến tới xóa bỏ “bù chéo” trong giá điện.
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như: Xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.
Nhấn mạnh giá điện là vấn đề ảnh hưởng đến đời sống thực tiễn và được dư luận rất quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cơ chế quản lý, điều tiết giá điện đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 55/NQ-TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, minh bạch, giá mua bán điện, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch, do thị trường quyết định. Do đó, trong sửa đổi Luật Điện lực cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này.
Cần xây dựng nguyên tắc định giá nhất quán là giá điện phải bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế, hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho các đơn vị điện lực, cũng như phù hợp với mặt bằng thị trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh điện. Khi giá đã phản ánh đúng, đủ chi phí điện bán cho các nhóm khách hàng thì tự nó cũng sẽ hình thành cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý. Đây là vấn đề chúng ta phải xác định cho thật đúng, thật kỹ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Đề cập đến quy định Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quy định này là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, nên độc quyền đến mức nào để huy động được các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác truyền tải điện. “Nhà nước chỉ nên độc quyền ở mức cao áp và siêu cao áp, tức là trên 35kV, còn ở dưới 35kV thì chỉ cục bộ ở một địa bàn” - ông Thanh nói và cho rằng cần nghiên cứu đánh giá tác động để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phân tích, Dự thảo Luật đã đưa ra chính sách xoá bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, ở quy định về vận hành lưới điện truyền tải thì vẫn đang giữ lại phần độc quyền tương đối nhiều. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, phân cấp, phân loại về truyền tải điện để phát huy xã hội hoá trong việc đầu tư và thực hiện lộ trình về giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường.
Định hướng rõ ràng về phát triển năng lượng mới
Quan tâm đến quy định về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, tại Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH của UBTVQH giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016- 2020 có giao Chính phủ nghiên cứu để trình UBTVQH, Quốc hội xây dựng Dự án Luật về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tại Dự án Luật Điện lực mà Chính phủ trình vẫn tiếp tục quy định về năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm quá trình nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng Dự luật về năng lượng tái tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH.
“Mối quan hệ của những quy định về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong Dự thảo Luật này với Dự án Luật mà UBTVQH đã giao, nghiên cứu như thế nào?” - ông Tùng đề nghị làm rõ; đồng thời nhấn mạnh, nếu quy định tại Luật này thì không chỉ khắc phục những bất cập trong thực tiễn hiện nay mà còn phải xử lý được những vấn đề trong thời gian tới như năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng, các vấn đề liên quan trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, 10 điều trong Dự thảo Luật chỉ là những nguyên tắc chứ chưa giải quyết được vấn đề liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong bối cảnh hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh, nội dung về phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật, các quy định về tạo cơ chế để khuyến khích, thu hút các nguồn lực cho phát triển còn rất chung chung. Do đó, cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn.
Tương tự, đối với cơ chế phát triển điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhận xét, Dự thảo Luật hiện nay mới chỉ gồm các quy định mang tính chất khung, chưa thực sự quan tâm và có định hướng rõ ràng trong sửa đổi Luật lần này về điện LNG. “Dự thảo Luật chỉ có duy nhất một quy định tại khoản 13 Điều 5 là ưu tiên phát triển nhiệt điện khí, sử dụng nguồn khí trong nước phát triển nhanh, nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống. Tại cả 3 dự thảo nghị định kèm theo hồ sơ Dự án Luật đều không đề cập đến nội dung trên” - ông Cường nhận xét.
Qua các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu các cơ quan tiếp tục rà soát để thể chế hoá đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường… Đồng thời, cụ thể hoá các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để đảm bảo tính khả thi, xem xét kỹ các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư, chỉ quy định những nội dung thực sự cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, tạo cơ chế thúc đẩy xã hội hoá, giảm đầu tư công./.