Gần 500 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện
Theo Phó Tổng Giảm đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, những năm qua, đặc biệt là từ khi triển khai Nghị quyết 28, chính sách BHXH, BHYT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến 31/10/2019, cả nước đã có 14,915 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (đạt 97,5% kế hoạch và tăng 462 nghìn người so với tháng 12/2018); hơn 499 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 101,7% kế hoạch và tăng 36 nghìn người so với tháng 9/2019); hơn 84,893 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ trên 89,6% dân số).
“Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, trên phạm vi cả nước đã có gần nửa triệu người tham gia BHXH tự nguyện- nhiều hơn hai lần so với kết quả 10 năm trước. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cho thấy sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Trong đó, công tác tuyên truyền với vai trò định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với hệ thống Tuyên giáo các cấp; cũng như sự đồng hành của cả hệ thống chính trị...”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách, lợi ích của BHXH - Ảnh: ST |
Theo tổng hợp từ BHXH các địa phương, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng và đoàn thể chính trị đã phối hợp tổ chức được hàng nghìn hội nghị triển khai học tập, tìm hiểu về các nội dung quan trọng của Nghị quyết 28 tại cơ sở; trên 19.300 hội nghị tư vấn đối thoại, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đã được tổ chức với sự tham gia của gần 1,3 triệu lượt người. Đáng chú ý, trong 9 tháng năm 2019, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức được trên 11.000 hội nghị tư vấn về BHXH tự nguyện, thu hút sự hưởng ứng và tham gia của hàng chục vạn người.
Công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng
Là một trong những địa phương hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện sớm nhất nước, tính hết 31/10/2019, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã vận động được 8.674 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 112,1% kế hoạch và tăng 5.902 người so với cùng kỳ năm 2018). Để đạt được kết quả này, theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lạng Sơn Nông Thị Phương Thảo, công tác tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người dân được coi là giải pháp quan trọng.
Theo đó, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân thông qua việc ký hợp đồng tuyên truyền, quy chế, chương trình phối hợp, hướng dẫn liên ngành về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền trực quan thông qua việc treo băng rôn, khẩu hiệu, pano khổ lớn với những thông điệp ý nghĩa về chính sách BHXH, BHYT ở các vị trí thuận lợi, đông dân cư, các cơ sở khám, chữa bệnh và UBND các xã, phường, thị trấn...
Với các giải pháp đồng bộ trong thực hiện Nghị quyết số 28, BHXH tỉnh Yên Bái cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, hết tháng 10/2019, toàn tỉnh có 53.425 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 2.300 người so với thời điểm Nghị quyết có hiệu lực; 6.645 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 3.400 người; 44.050 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3.300 người và 791.459 người tham gia BHYT, tăng 21.559 người (tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh hiện đạt 96,8% dân số của tỉnh).
BHXH tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu: Đến năm 2021 đạt khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 đạt khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2030 đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.
Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung cơ bản của Nghị quyết 28; nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, từng địa phương, nhất là nhóm nông dân, lao động khu vực phi chính thức; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT.
Mặt khác, BHXH tỉnh Yên Bái cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; nâng cấp hệ thống các phần mềm, cập nhật cơ sở dữ liệu tập trung để theo dõi tăng, giảm, di chuyển, biến động dân số cũng như liên thông dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, chi trả khám, chữa bệnh BHYT...
Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, để đạt mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, trong đó công tác tuyên truyền cần phải tiếp tục được đổi mới đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Từ đó, nâng cao hơn nữa nhận thức và lan tỏa chính sách BHXH, BHYT tới tận các cơ sở, địa phương. Bên cạnh đó, nội dung, hình thức tuyên truyền phải được đảm bảo tăng cường cả về số lượng và chất lượng, chú trọng các vấn đề thiết thực, liên quan đến quyền lợi của người dân; nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong vận động người dân tham gia BHXH, BHYT…
BẢO TRÂN