Đến hết tháng 10, Bộ đã giải ngân được 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Bộ GTVT đặt mục tiêu năm 2024 sẽ giải ngân khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch.
Ông Dũng cho biết, để có được kết quả này, toàn ngành giao thông đã nỗ lực rất lớn. Bởi lẽ, ngành giao thông thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia và cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ giải ngân.
Khó khăn đó là, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa…
Tiếp đến là các khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Đây chính là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.
Ngoài ra là các khó khăn về vật liệu xây dựng. Mặc dù Bộ GTVT được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ nên đã giảm bớt nhiều thủ tục. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.
Một khó khăn nữa là thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo, trong khi các dự án của Bộ GTVT trải dài khắp mọi miền đất nước và mùa mưa lũ đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.
Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện 4 đợt điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn cho 35 dự án, giá trị vốn điều chỉnh gần 3.000 tỷ đồng.
Với quyết tâm đưa nguồn vốn đến kịp thời các dự án, Bộ GTVT đã quán triệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh công tác hoàn thiện thủ tục xây dựng cơ bản, đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án, tinh giản thủ tục nghiệm thu thanh toán, quyết toán cho các dự án.
Đặc biệt, Bộ GTVT đã nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương để từ đó các địa phương có quyết tâm cao, vào cuộc quyết liệt nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn phát sinh, đặc biệt là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp và giá thành nguyên vật liệu.
Một giải pháp nữa đã giúp Bộ GTVT có kết quả giải ngân cao là do lãnh đạo đơn vị đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để sớm giao kế hoạch vốn, đảm bảo cấp vốn kịp thời cho các dự án. Căn cứ tiến độ thi công tổng thể, thi công chi tiết và thực tế điều kiện thi công (năng lực máy móc, thiết bị, tài chính của nhà thầu; giải phóng mặt bằng; thời tiết...) các chủ đầu tư, ban quản lý dự án làm việc với các nhà thầu và tư vấn giám sát để lập kế hoạch giải ngân vốn từng tháng và cả năm trình Bộ GTVT để chỉ đạo thực hiện và đánh giá kết quả giải ngân cuối năm.
Các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để kịp thời phát hiện, xử lý vướng mắc, chủ động đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án, kiên quyết điều chỉnh giảm kế hoạch của các dự án thực hiện chậm cho các dự án có tiến độ tốt, giải nhân nhanh.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu.../.