Kế hoạch tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển chính quyền số, xây dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thực hiện kết nối, chia sẻ, phân tích xử lý dữ liệu phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; trọng tâm là kết nối các hệ thống thông tin của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tập trung nguồn lực phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển và quản lý dữ liệu số; cải thiện chỉ số xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang.
Kế hoạch đã đề ra nhiệm vụ thực hiện bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; triển khai đào tạo, nâng cao nhận thức chuyển đổi số; phát triển chính quyền số (Phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ dùng chung); phát triển xã hội số; phát triển kinh tế số; đảm bảo an toàn thông tin.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, tỉnh Hà Giang đã đề ra các giải pháp thực hiện như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; thu hút nguồn lực công nghệ thông tin (CNTT); tăng cường hợp tác quốc tế.
Trong đó, sử dụng ngân sách Trung ương được đầu tư triển khai hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng CNTT thông qua các dự án trọng điểm quốc gia và theo ngành dọc, tranh thủ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang; cân đối bố trí ngân sách của tỉnh cho các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng CNTT trọng tâm, trọng điểm đã được phê duyệt; ưu tiên bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ trọng tâm, dùng chung, các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 và các nhiệm vụ nâng cao chỉ số chuyển đổi của tỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, Tập đoàn viễn thông để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Nguồn kinh phí thực hiện từ: Nguồn ngân sách Trung ương; nguồn ngân sách tỉnh Hà Giang (nguồn sự nghiệp và đầu tư của tỉnh); nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác./.