11 tháng năm 2017: Kinh tế đạt nhiều kết quả nổi bật

(BKTO) - Ngày 01/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017.



Quang cảnh phiên họp.Ảnh: VGP/QUANG HIẾU

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2017; các Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII (về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; về công tác dân số trong tình hình mới);…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong xu hướng giảm, đến hết tháng 11 tăng 3,61% so với bình quân cùng kỳ; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất cho vay giảm nhẹ và ổn định.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng vượt bậc; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2017 tăng 17,2% so với tháng 11/2016; tính chung 11 tháng, IIP tăng 9,3% so với cùng kỳ. Dịch vụ phát triển ổn định; du lịch tiếp tục tăng cao hơn so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến du lịch và thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng ước tăng 10,7%; tính chung 11 tháng, tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt khoảng 11,6 triệu lượt người, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 194 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ; xuất siêu khoảng 2,75 tỷ USD.

Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được duy trì ổn định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp.Ảnh: VGP/QUANG HIẾU

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên những định hướng lớn trong xây dựng Dự thảo Nghị quyết số 01 năm 2018 của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội tháng 12/2017 và đầu năm 2018.         
Một số kết quả kinh tế nổi bật tháng 11 và 11 tháng năm 2017:
   - Khách quốc tế tháng 11 đạt 1,17 triệt lượt; 11 tháng đạt 11,65 triệu lượt, tăng 27,8%;
   - Vốn FDI đăng ký 19,8 tỷ USD, tăng 52%; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 33,1 tỷ USD, tăng 53,4%; vốn FDI thực hiện đạt 16 tỷ USD, tăng 11,9%;
   - Xuất khẩu đạt 193,75 tỷ USD, tăng 21,7%; xuất siêu 2,8 tỷ USD;
   - 11 tháng có 116.000 DN đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 41,9%; tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng).
   Nguồn: Tổng cục Thống kê


Theo đó, trong tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ sẽ tăng cao, tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh; các Bộ, ngành, địa phương cần tận dụng tối đa cơ hội này cho phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để xảy ra biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết; chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, trong đó đặc biệt chú ý chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong xác định giá trị quyền sử dụng đất, thuê đất, thương hiệu. Tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Đẩy mạnh hơn nữa đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm bớt các điều kinh doanh nhưng lại “mọc lại giấy phép con”. Triển khai hiệu quả các dịch vụ hành chính điện tử, giúp giảm thời gian, chi phí cho DN khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.

Khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân ở những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ.

Chiều cùng ngày, đã diễn ra họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành.

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo liên quan đến các vấn đề dư luận quan tâm thời gian qua như: những sai phạm của gói đấu thầu thiết bị y tế Bệnh viện Ung bướu TP. HCM; đánh giá tính khách quan khi Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải đánh giá toàn diện các dự án BOT, trong đó có dự án BOT Cai Lậy, mà không giao cho Thanh tra Chính phủ hoặc KTNN; đánh giá hiệu quả các giải pháp cải cách bộ máy hành chính và tinh giản biên chế; vấn đề tăng giá điện của Bộ Công thương; vấn đề thoái vốn tại các DNNN;…

Trả lời câu hỏi liên quan đến tính khách quan khi Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải đánh giá toàn diện các dự án BOT mà không giao cho Thanh tra Chính phủ hoặc KTNN, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải tiến hành rà soát tất cả các dự án BOT và Bộ phải có trách nhiệm thực hiện. Hiện Bộ đã tiếp 107 đoàn làm việc của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, ngành, đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và có sự tham gia đầy đủ các thành phần trong đó có cả KTNN. Tất cả đã được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, trong đó có đánh giá những mặt được và chưa được để có hướng khắc phục.

PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
11 tháng năm 2017: Kinh tế đạt nhiều kết quả nổi bật