Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam: Kết quả kiểm toán, giám sát chính là bài học kinh nghiệm

(BKTO) - Đồng tình cao về sự cần thiết đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, tại phiên thảo luận chiều 14/11, các đại biểu Quốc hội mong muốn Dự án triển khai cần đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực, đội vốn. Đặc biệt, nhiều đại biểu kiến nghị, Chính phủ chấn chỉnh, khắc phục những sai sót, bất cập khi thực hiện dự án bằng hình thức hợp đồng BOT, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ kết quả giám sát, thanh tra, kiểm toán.



Tránh lặp lại sai sóttrong thực hiện BOT

Nhấn mạnh việc đầu tư các dự án (8/11 dự án thành phần) theo hình thức hợp đồng BOT như đề xuất của Chính phủ là cần thiết và phù hợp trong điều kiện NSNN còn khó khăn, sẽ giúp giảm áp lực nợ công, tiết kiệm chi phí vận hành, khai thác…

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để hình thức đầu tư này phát huy hiệu quả đúng nghĩa, tránh gây bức xúc dư luận, Chính phủ cần rà soát những tồn tại, sai sót để tập trung xử lý dứt điểm; sớm nghiên cứu ban hành khung chính sách phù hợp để thực hiện các dự án đối tác công - tư hiệu quả.

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai), BOT vẫn là giải pháp phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn khó khăn về nguồn lực hiện nay. Đặc biệt, “sau kết quả giám sát BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả kiểm toán của KTNN và thực trạng 55 dự án BOT đang vận hành sẽ là kinh nghiệm, bài học rất tốt, khắc phục những hạn chế để thực hiện Dự án này chặt chẽ, công khai, minh bạch, nhất là cơ chế đầu tư của Nhà nước hiệu quả, hợp lòng dân và DN” - đại biểu Vượt nói.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị, Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục những sai sót, hạn chế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra để đưa vào Nghị quyết của Quốc hội làm căn cứ thực hiện.

Các biện pháp đó cần phải đảm bảo rõ tiêu chí để lựa chọn dự án BOT, rõ tiêu chí đánh giá năng lực và lựa chọn nhà đầu tư, quy định chặt chẽ để đảm bảo nhà đầu tư thực góp vốn. Đồng thời, BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường mới nhằm đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu…

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, cơ chế xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của Nhà nước, chủ sở hữu của nhà đầu tư để tính toán phương án tài chính ban đầu 14% của Dự án là không phù hợp, vì các dự án bằng hình thức BOT của Quốc lộ 1 chỉ là 11,5%, cần tính toán để hài hòa lợi ích giữa DN và người dân. Bên cạnh đó, cần cân nhắc tình trạng nhà đầu tư dùng toàn bộ tiền vay ngân hàng để thực hiện dự án là người dân phải gánh chịu lãi vay của DN, gây bức xúc trong nhân dân.

Phân tích rõ hơn về những bất cập trong thực hiện hợp đồng BOT, đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế đầu tư dự án BOT theo hướng thực hiện đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh minh bạch, không thực hiện chỉ định thầu như đối với một số dự án BOT thời gian qua; quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư ngay từ đầu và giá thành, giá hợp đồng, không để như ở một số dự án vừa qua. Khi thanh tra, kiểm toán công trình thì tổng mức đầu tư, thời gian thu phí giảm nhiều so với hợp đồng ban đầu, tạo hoài nghi có lợi ích nhóm trong thực hiện dự án BOT.

Đặc biệt, để đảm bảo hiệu quả của các dự án BOT, đại biểu đề nghị tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. “Yêu cầu tối thiểu hiện nay Chính phủ đang đề nghị từ 15-20%. Tôi đề nghị từ 20-25% hoặc cao hơn để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, đồng thời khắc phục tình trạng thời gian qua áp dụng mức vốn tối thiểu chỉ từ 10-15% như Nghị định số 15 của Chính phủ nên có nhà đầu tư không huy động vốn chủ sở hữu hoặc huy động rất ít, vốn chủ yếu từ vay ngân hàng, nhà đầu tư được hưởng lợi đơn, lợi kép, khi vừa là nhà thầu, vừa là nhà đầu tư mà không phải đấu thầu, vốn đầu tư công trình chủ yếu là vốn vay ngân hàng và được tính lãi vay cho nhà đầu tư” - đại biểu Hưng nêu quan điểm.

Sẽ thực hiện đấu thầucông khai

Trước những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ đã rút kinh nghiệm trong thực hiện BOT và toàn bộ những khiếm khuyết sẽ được khắc phục trong Dự án này. Cụ thể, Bộ sẽ tổ chức đấu thầu toàn bộ các dự án BOT. Đấu thầu lần 1 mà không xong sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo với Chính phủ tiếp tục đấu thầu lần 2, lần 3 để đảm bảo công khai, minh bạch.

Bộ trưởng cũng cho biết, Dự án sẽ được tổ chức thu phí kín, áp dụng công nghệ thu phí tự động đảm bảo nguồn thu được công khai, minh bạch. “Đầu vào thì chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng, kiểm tra và quyết toán một cách kịp thời để xác định rõ từng dự án đã đầu tư bao nhiêu tiền và đầu ra thu tự động để làm sao đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nhưng cũng là quyền lợi của người dân và chắc chắn không tạo nên những điểm bức xúc vì chúng tôi thực hiện trục này là trục mới, không phải là trục đường cũ” - Bộ trưởng cho biết.

Về vấn đề vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để chọn được nhà đầu tư lành mạnh, ngoài việc tổ chức đấu thầu công khai, yêu cầu hiện nay về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ít nhất là 15-20% để chúng ta chọn lựa những nhà đầu tư thực sự có năng lực về tài chính cùng với ngân hàng thực hiện.

N.HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15/11/2017
Cùng chuyên mục
Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam: Kết quả kiểm toán, giám sát chính là bài học kinh nghiệm