Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội sáng 26/5 - Ảnh: quochoi.vn
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sau khi Quốc hội thảo luận, phân tích trong những kỳ đầu tiên của Quốc hội khóa XIV,Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng là Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương là Phó Trưởng ban. Ban Chỉ đạo đã triển khai việc nghiên cứu đánh giá lại 12 dự án thua lỗ, những tồn đọng, sai phạm và các vấn đề đặt ra để tìm hướng giải quyết.
Trên cơ sở của 138 văn bản chỉ đạo nhiệm vụ thực hiện, năm 2017, Ban Chỉ đạo đã hoàn thiện Đề án xử lý những tồn đọng của 12 dự án này và báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị. Sau đó, được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký phê duyệt Đề án xử lý các dự án tồn đọng với mục tiêu hết năm 2018 sẽ xử lý xong những vấn đề tồn tại lớn của 12 dự án, tới năm 2020 sẽ giải quyết tồn đọng của tất cả dự án. Đồng thời, có giải pháp để ngăn chặn việc hình thành những dự án tồn đọng mới trong tương lai.
Trong 12 dự án này, 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất - kinh doanh không hiệu quả. Năm 2018, hàng loạt giải pháp đã được triển khai đồng bộ với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, các cấp, từ Chính phủ, các Bộ chủ quản cũng như Bộ, ngành có liên quan, tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư… Với tinh thần theo đúng nguyên tắc được Bộ Chính trị đã phê duyệt, Chính phủ đã chỉ đạo không cấp thêm vốn nhà nước để xử lý những dự án này, đồng thời phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu và người có liên quan.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất - kinh doanh không hiệu quả,hiệncó 2 dự án đã khôi phục lại, có lãi. Dù con số lãi còn rất khiêm tốn nhưng 2 dự án này đã bắt đầu tham gia lại thị trường, hoạt động có hiệu quả. Đó là Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án Nhà máy thép Việt - Trung.
“Dự án Nhà máy thép Việt - Trung trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép Quốc hội đưa ra khỏi nhóm 12 dự án này vì đã hoạt động trở lại bình thường và đã khắc phục được những tồn tại cơ bản về điều lệ, pháp lý, quản trị DN”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, liên quan đến 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh gồm: PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Bình Phước, hiện nay, đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại, đó là Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester của Đình Vũ.
“Đến nay, chúng ta đã ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm của Nhà máy với các đối tác nước ngoài và đưa Nhà máy vận hành trở lại hoạt động theo từng bước, trước mắt là một dây chuyền sau đó, cuối năm, cả ba dây chuyền đi vào hoạt động; đồng thời, sẽ xem xét để tiếp tục thực hiện các biện pháp thoái vốn nhà nước ra khỏi dự án này khi hoạt động kinh doanh bắt đầu có hiệu quả”- Bộ trưởng cho biết.
Bốn dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, gồm: Nhà máy Phân đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP số 2 Lào Cai và Công ty Đóng tàu ở Dung Quất. Đến cuối năm 2018, sẽ cố gắng giải quyết cơ bản những dự án này.
Với Dự án Gang thép Thái Nguyên, Chính phủ cũng đã thực hiện theo đúng lộ trình và đã góp phần rút được 1.000 tỷ đồng vốn nhà nước của Công ty Quản lý vốn Nhà nước (SCIC) ra khỏi Dự án này; đồng thời, đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình pháp lý để tổ chức thoái vốn của Nhà nước ra khỏi hai dự án gang thép Thái Nguyên cũng như Tisco của Tổng công ty Thép, từ đó đảm bảo được hiệu quả bảo vệ nguồn vốn của Nhà nước và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới giải quyết những tồn đọng với các nhà thầu cũng như các nhà thầu quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thực hiện những giải pháp trên mới chỉ là một khía cạnh về kinh tế thương mại và hiệu quả kinh tế thương mại của dự án. Còn một vấn đề rất quan trọng là xử lý những sai phạm, vi phạm của các cá nhân và tổ chức.
Về cơ bản, cả 12 dự án này đều đã có các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, chỉ rõ những sai phạm của các cá nhân, tổ chức ở mức độ khác nhau, đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, cố ý làm trái và đã có những xử lý bước đầu với một số cá nhân, tổ chức.
N. HỒNG