Chủ trương đã có nhưng cơ chế, chính sách còn thiếu
Quốc gia khởi nghiệp và DN khởi nghiệp là một vấn đề mới được Việt Nam đặc biệt quan tâm trong vài năm gần đây. Năm 2016 từng được Chính phủ chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp. Cũng trong năm này, Chính phủ đã ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mong muốn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho kinh tế nước nhà.
Theo đó, để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, Đề án đã yêu cầu nghiên cứu, đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết, trong đó có “cơ chế thuế, tài chính đặc thù đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần giúp làn sóng khởi nghiệp lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa trên cả nước. Đến nay, Việt Nam có hơn 600 nghìn DN khởi nghiệp hoạt động chính thức theo Luật DN cùng với khoảng 4,5 triệu hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc. Điều này khiến hệ sinh thái khởi nghiệp chưa thực sự phát huy hết tiềm năng để đạt được những kết quả như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là do chính sách về DN khởi nghiệp chưa được hoàn thiện.
TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho biết, đến nay, hành lang pháp lý vẫn thiếu các quy định về chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và DN khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính), Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật này vẫn chưa có quy định đối với DN khởi nghiệp. Đặc biệt, hệ thống pháp luật về hỗ trợ tài chính cho DN khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn nhiều khoảng trống như: thiếu chính sách đặc thù đối với các DN khởi nghiệp nói chung và các chính sách liên quan đến thuế ưu đãi, thuế cho nhà đầu tư khi chuyển nhượng vốn, thuế Thu nhập cá nhân đối với các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp.
Bổ sung quy định về DN khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách ưu đãi
Để việc hỗ trợ cho DN khởi nghiệp sáng tạo đảm bảo đúng đối tượng và mang lại hiệu quả thiết thực, một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà nhiều chuyên gia kiến nghị là cơ quan quản lý phải xác định rõ tiêu chí về DN khởi nghiệp sáng tạo để phân biệt với các DN khởi nghiệp nói chung. Bởi theo PGS.TS Lý Phương Duyên và TS. Võ Trí Thành - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc xác định rõ tiêu chí về DN khởi nghiệp sáng tạo sẽ là cơ sở để xây dựng các biện pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, chính xác và hiệu quả.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhấn mạnh khởi nghiệp sáng tạo là hoạt động kinh doanh, việc đầu tư cho DN khởi nghiệp mang tính mạo hiểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cá nhân cũng như chia sẻ rủi ro và lợi nhuận đối với các DN này.
Đặc biệt, một trong những động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo chính là các chính sách ưu đãi về thuế. PGS.TS Lý Phương Duyên đề xuất, Việt Nam có thể áp dụng 5 biện pháp ưu đãi thuế cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, như: miễn toàn bộ hoặc một phần thu nhập, giảm một phần thuế suất đối với một số hoạt động, khấu trừ thuế đầu tư và khấu trừ thuế cho hoạt động đầu tư, áp dụng khấu hao nhanh và các biện pháp giảm lỗ.
Ngoài ra, theo bà Duyên, Chính phủ cần tạo thuận lợi cho các DN về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán. Theo đó, trong 5 năm đầu, DN được khai thuế Giá trị gia tăng 6 tháng một lần nếu chưa có doanh thu; các nhà đầu tư khởi nghiệp được giảm thuế Thu nhập DN và thuế Thu nhập cá nhân khi có thu nhập từ đầu tư hoặc chuyển nhượng vốn, đồng thời, được bù trừ số lỗ của dự án đầu tư cho khởi nghiệp với các dự án khác và khấu trừ thuế đầu tư. Cùng với đó, các đối tượng hỗ trợ DN khởi nghiệp cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi.
Cũng liên quan đến các chính sách ưu đãi về thuế, ThS. Lê Nguyễn Hồng Phương - Giảng viên Trường Đại học Northampton (Anh) - đề xuất, Nhà nước nên cho DN khởi nghiệp sáng tạo có 2 sự lựa chọn về thuế, đó là cơ chế đóng thuế thông thường hoặc Thuế khoán (áp dụng trong 3 năm đầu).
Ngoài ra, bà Phương còn khuyến nghị, các trường đại học tại Việt Nam nên cung cấp nhiều kiến thức hơn về khởi nghiệp cho sinh viên. Đồng thời, Việt Nam cần lập một diễn đàn về khởi nghiệp, tổ chức 3 lần/năm để các nhà đầu tư biết đến các ý tưởng hay và DN có thể tiếp cận các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân hàng.
THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 10/5/2018