4 nguyên tắc làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Kiểm toán nhà nước khóa VIII

(BKTO) - Đảng ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, chủ trương nghị quyết của Trung ương, của cấp trên và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN, Đảng bộ Quốc hội...

bieu-quyet.jpg
Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN họp định kỳ ít nhất 1 tháng một lần và họp đột xuất khi cần. Ảnh: M. Thúy

Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký Công văn số 99-QC/ĐU ngày 15/7/2025 ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN khóa VIII, nhiệm kỳ 2025-2030 (Quy chế).

Với 5 Chương 22 Điều, Quy chế quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy và Phó Bí thư Đảng ủy KTNN.

Đồng thời, quy định rõ: Nguyên tắc làm việc; Thực hiện chương trình công tác; Chế độ hội nghị của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy; Chế độ thông tin, báo cáo, học tập và bảo mật; Chế độ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Quốc hội; Chế độ ban hành, quản lý văn bản; Thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình; Chế độ kiểm tra, giám sát; Chế độ đi công tác cơ sở, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên; Tổ chức sơ kết, tổng kết chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Quốc hội; Các mối quan hệ công tác...

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN phải tuân thủ theo 4 nguyên tắc làm việc, cụ thể: Đảng ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy KTNN làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức; chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, chủ trương nghị quyết của Trung ương, của cấp trên và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN, Đảng bộ Quốc hội.

Cá nhân được quyền phát biểu và bảo lưu ý kiến của mình, nhưng phải chấp hành nghị quyết của tập thể. Ý kiến bảo lưu có thể được phản ánh lên cấp trên, nhưng không được tuyên truyền, phổ biến ra bên ngoài.

Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy; phát huy sức mạnh của các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo; đồng thời, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Chủ động giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng ủy (có trao đổi với cơ quan, các ban tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội đối với những vấn đề cần thiết), đồng thời trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Quốc hội những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Quốc hội và những vấn đề quan trọng khác khi thấy cần thiết. Khi thực hiện công tác nhân sự hoặc vấn đề quan trọng khác, nếu các thành viên trong Đảng ủy có ý kiến khác nhau thì báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Quốc hội (theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ) xem xét, quyết định.

Về chế độ hội nghị, Đảng ủy họp định kỳ 3 tháng một lần, khi Ban Thường vụ thấy cần thiết, hoặc khi có trên 1/2 số Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ đề nghị thì Ban Thường vụ quyết định triệu tập Hội nghị Đảng ủy đột xuất.

Ban Thường vụ Đảng ủy họp định kỳ ít nhất 1 tháng một lần, họp đột xuất khi cần, do Thường trực Đảng ủy chuẩn bị nội dung và triệu tập. Hội nghị Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham dự. Thường trực Đảng ủy họp định kỳ 1 tuần một lần, trừ trường hợp bất khả kháng không họp được.

Thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình, hằng năm, tập thể Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy và các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo quy định. Kết quả kiểm điểm được báo cáo tại hội nghị Đảng ủy để lấy ý kiến góp ý và gửi về Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Quốc hội theo quy định; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ phải nêu gương trong việc thực hiện nhiệm vụ, chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính tiên phong, gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình theo quy định.

Cuối nhiệm kỳ, Đảng ủy kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy tiến hành tự phê bình và phê bình gắn với kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội.

Về chế độ kiểm tra, giám sát, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát; có kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm hoặc kiểm tra, giám sát theo chuyên đề. Chỉ đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong toàn Đảng bộ.

Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy có trách nhiệm kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra đơn vị được phân công phụ trách, về việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và chức năng, nhiệm vụ của cấp mình.

Sau khi thực hiện các kế hoạch kiểm tra, giám sát, phải báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy; đồng thời, có thông báo kết quả kiểm tra cho các đơn vị rút kinh nghiệm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; biểu dương những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt, xử lý kỷ luật những tổ chức và cá nhân không chấp hành, làm trái nghị quyết.

Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy có trách nhiệm tham mưu giúp Ban Thường vụ Đảng ủy kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, quy định, chỉ thị, thông báo, kết luận của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy.../.

Cùng chuyên mục
4 nguyên tắc làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Kiểm toán nhà nước khóa VIII