Còn lại khoảng 1.960 tỷ đồng cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục liên quan để giao chi tiết - Ảnh minh họa: Internet. |
Cụ thể, đến hết tháng 4/2020, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân được 9.208 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm (9.208/37.438 tỷ đồng). Trong đó, gồm 7.584 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 23,9% kế hoạch đã giao các chủ đầu tư, tương đương 22,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và 1.624 tỷ đồng kế hoạch năm 2019 kéo dài, đạt 43% (1.624/3.789 tỷ đồng). Riêng trong tháng 4, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân thêm được 1.711 tỷ đồng.
Mặc dù trong tháng 4/2020 giải ngân 1.711 tỷ đồng thấp hơn so với 2.642 tỷ đồng kế hoạch đề ra, tuy nhiên lũy kế 4 tháng cơ bản vẫn đáp ứng yêu cầu do tháng 3/2020 đã giải ngân vượt kế hoạch khoảng 850 tỷ đồng (do trả nợ được trước dự kiến của dự án BT La Sơn - Túy Loan).
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, kết quả giải ngân kế hoạch lũy kế 4 tháng đầu năm cơ bản đang bám sát kế hoạch giải ngân chi tiết do các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án lập, đạt khoảng 99,5% kế hoạch giải ngân chi tiết (9.208/9.250 tỷ đồng, hụt khoảng 42 tỷ đồng).
Bên cạnh các chủ đầu tư, Ban QLDA có kết quả giải ngân vượt kế hoạch đề ra như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 85, Ban Đường sắt; cũng còn các chủ đầu tư có kết quả thực hiện kế hoạch đáng quan ngại như Sở Giao thông vận tải Kon Tum và Sở Giao thông vận tải Hòa Bình hầu như chưa giải ngân kế hoạch 2020.
Đánh giá công tác giải ngân kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải 4 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai trong tháng 5 và cho đến cuối năm, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, trong bối cảnh cả nước đang tập trung nỗ lực kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn đặc biệt là đợt giãn cách toàn xã hội trong tháng 4 cũng ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đang rất nỗ lực để thúc đẩy tiến độ giải ngân và thi công các dự án do Bộ quản lý, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Cũng theo ông Nguyễn Danh Huy, dù kết quả giải ngân 4 tháng đạt khá cao so với bình quân chung của cả nước, tuy nhiên, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm phần nhiều vẫn nằm ở hoàn ứng trước kế hoạch, hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ của 2 dự án BT. Phần giải ngân cho giải phóng mặt bằng và các hợp đồng xây lắp chiếm tỷ trọng không lớn trong kết quả giải ngân.
“Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc lập kế hoạch giải ngân phải bám sát hơn nữa tiến độ thực hiện dự án; trong đó các cơ quan tham mưu của Bộ phải thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ những thủ tục đầu tư…”, ông Huy cho biết thêm.