Sáng 26/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ (Nghị quyết 68).
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, Nghị quyết 68 với 12 chính sách, tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19, chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Bộ LĐTBXH đã chủ động thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các nội dung chính sách, lập 6 số điện thoại để hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận gần 25.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp của người dân, người lao động và người sử dụng lao động; đồng thời cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Bộ LĐTBXH cũng đã thiết lập chuyên mục hỏi - đáp về chính sách hỗ trợ, hồ sơ thủ tục trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ có nhiều thắc mắc để người dân, người lao động, người sử dụng lao động biết trong triển khai thực hiện; mở các kênh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Quá trình triển khai, Bộ LĐTBXH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thành lập 12 đoàn kiểm tra, giám sát tại 27 tỉnh, thành phố nắm tình hình, giải đáp các vướng mắc, hướng dẫn, tháo gỡ cho các địa phương và tiến hành kiểm tra, giám sát tại 9 tỉnh, thành phố.
Kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện có những vướng mắc, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai. Tuy nhiên, mọi vướng mắc, thiếu sót đều có sự uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm việc thực hiện các chính sách đúng đối tượng, đúng chế độ. Đến nay, chưa phát hiện có hành vi trục lợi chính sách của các tổ chức và cá nhân.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 68, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.
Trong đó, tính đến ngày 30/6/2022, điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động (tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động) với số tiền là 4.164 tỷ đồng.
Đến ngày 19/7/2022, giải quyết đối với 1.013 đơn vị sử dụng lao động, với trên 207.600 người lao động tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.393,2 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2022, chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã chi trả cho 2.037.065 người với số tiền là 6.631,233 tỷ đồng;
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, tính đến ngày 30/6/2022, đã thực hiện hỗ trợ cho 1.129.755 người, với số tiền là 1.129,755 tỷ đồng.
Đến ngày 30/6/2022, chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đã hỗ trợ cho 4.984 người với số tiền là 19,9 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết ngày 31/3/2022, cả nước đã giải ngân được 4.787 tỷ đồng cho 3.561 lượt người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động.
Chính sách hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù, tính đến ngày 30/6/2022, các tỉnh, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 15.664.935 người, với tổng số tiền là 21.231,786 tỷ đồng, kinh phí từ ngân sách địa phương…/.