Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán.
Thưa ông, thực trạng người lao động ồ ạt rút BHXH một lần tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phía Nam. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
TS. Nguyễn Minh Phong: Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, hiện nay, tiền lương và thu nhập của người lao động nhìn chung còn rất thấp, hầu hết chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, khi gặp rủi ro, mất việc làm thì gần như người lao động không có tích lũy. Do đó, trong trường hợp cuộc sống quá khó khăn thì người lao động sẽ chấp nhận rút BHXH một lần.
Bên cạnh đó, do người lao động còn chưa hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của các chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí. Điều này có thể do công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương cũng còn có những hạn chế nhất định. Vì vậy, rất nhiều người lao động không thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH về lâu dài cũng như những hệ lụy của việc rút BHXH một lần.
Ngoài ra, các chế độ, chính sách về BHXH nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung cũng còn những bất cập, chưa đảm bảo tính hấp dẫn, linh hoạt, do đó không tạo được niềm tin cho người lao động khi tham gia vào lưới an sinh. Đơn cử, quy định về thời gian tham gia BHXH còn quá dài mới đủ điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí, đồng thời quy định về các chính sách hưởng lương hưu đang được thiết kế theo nguyên tắc đóng - hưởng nên rất nhiều người nhận lương hưu thấp…
Việc rút BHXH một lần giúp người lao động có một khoản tiền chi tiêu trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài, người lao động sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, nhiều người lao động chưa thực sự nắm rõ một thực tế là khi họ rút BHXH một lần (với BHXH bắt buộc) tức là họ đang rút mình ra khỏi hệ thống an sinh, theo đó người lao động sẽ không được hưởng không chỉ lương hưu mà cả các chế độ liên quan như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp… Dù việc tham gia hay rút BHXH là quyền của người lao động, nhưng với xu hướng công việc bấp bênh, việc tự đưa mình ra khỏi lưới an sinh thực sự tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người lao động.
Bên cạnh đó, ở tầm vĩ mô, mục tiêu an sinh xã hội toàn dân, mở rộng bao phủ về tham gia BHXH sẽ không đạt được. Đồng thời, mục tiêu “không để ai ở lại phía sau” thông qua việc gắn phát triển kinh tế với các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước khó có thể đạt được.
Vậy để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống an sinh, theo ông cần những giải pháp như thế nào?
TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, để hạn chế tình trạng người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, về mặt khuôn khổ pháp luật, cần nghiên cứu, thiết kế chính sách BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt hơn, nhằm tạo ra sự hấp dẫn, niềm tin cho người lao động. Ví dụ, khi người lao động bị mất việc có chính sách bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt hơn, hay có cơ chế cho người lao động được ứng trước một khoản tiền từ BHXH. Đồng thời, chính sách BHXH cũng nên được điều chỉnh linh hoạt về mức đóng, cách đóng, thời gian đóng sao cho phù hợp nhất với từng nhóm đối tượng lao động…
Song song với đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường, làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người lao động hiểu rõ về các chính sách BHXH, vai trò của BHXH trong việc đảm bảo an sinh xã hội; cũng như những quyền lợi, lợi ích từ việc tham gia BHXH đối với người lao động. Từ đó, người lao động sẽ có những cách hành xử phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, cân nhắc không chạy theo phong trào hay tâm lý đám đông, thấy nhiều người nhận BHXH một lần thì mình cũng rút theo.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường minh bạch hóa các thông tin về chính sách pháp luật BHXH, thông tin về Quỹ BHXH…; cũng như tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong việc sử dụng, quản lý Quỹ BHXH, nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ BHXH. Từ đó, tạo ra niềm tin, sự yên tâm cho người lao động, bởi chắc chắn khi không còn niềm tin vào hệ thống an sinh, người lao động sẽ lựa chọn rời khỏi lưới an sinh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!