48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Đoàn kết làm nên sức mạnh, cội nguồn của mọi thành công

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

1(3).jpg
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân Giải phóng tiến vào Thành phố. Ảnh: TTXVN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tinh thần đoàn kết. Cụm từ “đoàn kết” và “đại đoàn kết” được Người nhắc rất nhiều lần, ở mọi điều kiện, trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Người chỉ rõ “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”. Do đó, để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ, cách mạng muốn thành công và “thành công đến nơi”, phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững.

Ngay từ khi tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất lưu ý tới công tác tập hợp quần chúng, đưa họ vào những tổ chức yêu nước phù hợp với đặc điểm của từng giới, lứa tuổi, giai cấp, tôn giáo... Lịch sử đã chứng minh, trải qua các thời kỳ cách mạng, với khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã làm nên những thắng lợi vĩ đại, viết nên những trang sử hào hùng của cả dân tộc. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ những bài học lịch sử rút ra được qua các cuộc trường kỳ kháng chiến, đồng thời thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng mặt trận dân tộc, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc và phát huy mạnh mẽ vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, tiêu biểu là các Nghị quyết Đại hội lần thứ: VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII của Đảng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung năm 2011); Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW ngày 27/3/1990 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Kết luận số 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị, xã hội…

Trong những năm qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong đó, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; xóa đói, giảm nghèo; lá lành đùm lá rách; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống tội phạm… cùng các phong trào: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19, Đảng và cả hệ thống chính trị cùng toàn thể đồng bào ở trong nước và ngoài nước đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm “chống dịch như chống giặc” để từng bước đẩy lùi và vượt qua đại dịch. Trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về phòng, chống đại dịch Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, từ Trung ương tới địa phương, các cấp, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân đã chung tay, góp sức đối phó với đại dịch. Cùng với việc tự giác nâng cao ý thức phòng bệnh, các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã hỗ trợ về kinh phí và hiện vật trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng; các địa phương đã chi viện hàng trăm nghìn cán bộ cho các tỉnh, thành phố có dịch. Có thể khẳng định, càng trong khó khăn, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam càng được phát huy mạnh mẽ.

Những kết quả đạt được trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt những năm qua đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng tầm cao uy tín, vị thể của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Cùng chuyên mục
  • Bác Hồ với Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng
    một năm trước Chính trị
    Cách đây 69 năm, ngày 19/9/1954, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Đại đoàn 308) tại Đền Hùng (Phú Thọ), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “…Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…”. Không chỉ khẳng định công lao to lớn của các Vua Hùng, của các thế hệ ông cha, lời Bác dặn còn là lời nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, phải có trách nhiệm giữ gìn giang sơn gấm vóc.
  • Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
    một năm trước Chính trị
    Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mà mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.
  • Chủ tịch Quốc hội: Sớm khởi động đàm phán FTA Việt Nam - MERCOSUR để không bỏ lỡ cơ hội
    một năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Rạng sáng 28/4, giờ Việt Nam, tại trụ sở Nghị viện Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Nghị viện Khối Thị trường chung Nam Mỹ (PARLASUR) Gustavo Penadés và các Phó Chủ tịch PARLASUR: Celso Russomanno, Tomas Bittar và Cecilia Britto.
  • Mở ra cơ hội hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Uruguay
    một năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Sáng 28/4, giờ Việt Nam, tiếp tục chuyến thăm chính thức Uruguay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Quyền Thị trưởng Thành phố Montevideo Mauricio Zunino.
  • Cần một Liên minh toàn cầu vì Công bằng xã hội
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Một Liên minh toàn cầu vì Công bằng xã hội sẽ tạo nền tảng để tập hợp nhiều cơ quan quốc tế và các bên liên quan lại với nhau. Liên minh này sẽ đặt công bằng xã hội là vấn đề trọng tâm của công cuộc phục hồi toàn cầu, lấy con người làm trung tâm.
48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Đoàn kết làm nên sức mạnh, cội nguồn của mọi thành công