Công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai chuyển đổi số tại các địa phương đến ngày 23/3/2022. Ảnh: Bộ TT&TT. |
54/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) 5 năm giai đoạn 2021-2025; 59/63 tỉnh/thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CĐS; 63/63 địa phương hoàn thành kết nối thử nghiệm với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư để khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân.
Đến ngày 23/3/2022, đã có 59/63 tỉnh, thành phố và 19/22 Bộ, ngành xây dựng, cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử, phiên bản 2.0.
Về ứng dụng CNTT tại các địa phương, Yên Bái là tỉnh đầu tiên ban hành Quyết định số 262/QĐ-UBND ngày 28/02/2022 về việc đổi tên, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lại Trung tâm CNTT và Truyền thông (trực thuộc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái) thành Trung tâm CĐS tỉnh Yên Bái (trực thuộc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái). Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/3/2022.
Đây là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, trực thuộc và chịu sự quản lý trực tiếp của Sở TT&TT tỉnh Yên Bái.
Về công tác CĐS ở các địa phương, trong quý I/2022, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Lạng Sơn chính thức triển khai Nền tảng cửa khẩu số từ ngày 14/01/2022, hướng dẫn DN, cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu sử dụng Nền tảng cửa khẩu số.
Tại tỉnh Quảng Ninh, Sở TT&TT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh và Tập đoàn FPT ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai CĐS toàn diện giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, hướng đến một số mục tiêu chính như: đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu về CĐS.../.
THÙY ANH