5 yếu tố giúp doanh nghiệp lan tỏa giá trị bền vững đến người tiêu dùng

(BKTO) - Kề từ khi đại dịch bùng phát, người tiêu dùng (NTD) trên khắp thế giới có xu hướng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm và dịch vụ bền vững. Điều này sẽ tạo cơ hội phát triển lớn cho những DN theo đuổi mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm.



                
   

Tại nhiều siêu thị, lá chuối được sử dụng để bọc rau xanh nhằm hạn chế túi nilong và bảo vệ môi trường - Ảnh: N.Ly

   

Người tiêu dùng đã nhận thức rõ hơn về tính bền vững

Theo ấn bản mới nhất về Chỉ số NTD tương lai của EY, 43% NTD toàn cầu muốn mua nhiều sản phẩm hơn từ các tổ chức mang lại lợi ích cho xã hội, ngay cả khi sản phẩm hoặc dịch vụ đó đắt hơn.

Tuy nhiên, vẫn có một thực tế là hầu hết NTD không đủ khả năng chi trả cho sự bền vững, giá cả vẫn là tiêu chí mua hàng số một của mọi người. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ NTD đã không hành động đúng như những gì họ nói về tính bền vững.

Cụ thể: 84% nói rằng tính bền vững là quan trọng khi đưa ra quyết định mua hàng, nhưng 47% nói rằng chi phí quá cao để mua các sản phẩm bền vững. 86% NTD cân nhắc số lượng bao bì khi mua sản phẩm, nhưng cũng có 35% muốn có nhiều bao bì hơn để bảo vệ chúng khỏi nguy cơ nhiễm khuẩn.

Tương tự, 61% muốn có thêm thông tin để giúp đưa ra các lựa chọn bền vững tốt hơn, nhưng chỉ 20% kiểm tra các tuyên bố về tính bền vững được đưa ra trên bao bì hoặc trong quảng cáo. Sự bất ổn kinh tế do đại dịch khiến NTD tập trung vào khả năng chi trả nhiều hơn.

Cũng theo nghiên cứu của EY, nhận thức và quan điểm về tính bền vững ở mỗi người có sự khác nhau đáng kể trên phạm vi nhân khẩu học, quốc gia và khu vực. Chẳng hạn, khi nhắc đến sự cần thiết phải chống lại biến đổi khí hậu, 44% NTD Pháp xác định đây là vấn đề hàng đầu trong định nghĩa “vấn đề bền vững”, nhưng chỉ 23% NTD Mỹ đồng ý với quan điểm này và ở Ấn Độ là 16%.

Điều này không có nghĩa là NTD ở Mỹ và Ấn Độ không quan tâm đến cuộc khủng hoảng khí hậu mà chỉ là họ nhìn nhận sự bền vững qua một lăng kính khác. Theo đó, NTD Ấn Độ cho rằng sức khỏe và hạnh phúc của công dân là một vấn đề bền vững hơn biến đổi khí hậu.

Theo khảo sát, 44% NTD Anh lo lắng về rác thải nhựa, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 33%. Còn với người Trung Quốc, ô nhiễm không khí là một mối quan tâm nổi bật nhất (57%), cao hơn hẳn so với 33% trên toàn cầu. Những khoảng cách này có thể phản ánh cách trải nghiệm sống của NTD khác nhau trên khắp thế giới.

Ngoài ra, trên toàn cầu, 35% NTD Thế hệ Z (sinh năm 1995-2012) sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm bền vững, tỷ lệ này đối với thế hệ Boomers (sinh ra trong khoảng từ 1946 đến 1964) là 28%.

Thái độ cũng như cách thức thúc đẩy tính bền vững của các thế hệ có sự khác biệt. Người lớn tuổi có nhiều khả năng thực hiện các bước đơn giản như tự mang túi mua sắm đến cửa hàng, tái sử dụng hoặc tái chế bao bì và tiết kiệm năng lượng sử dụng. Trong khi đó, người trẻ tuổi theo đuổi chế độ ăn uống dựa trên thực vật, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và họ cũng tích cực chia sẻ thông tin về các sản phẩm tốt với bạn bè, đồng nghiệp.

Doanh nghiệp chủ động lan tỏa giá trị bền vững đến người tiêu dùng

NTD toàn cầu ngày càng đặt nhiều kỳ vọng về tính bền vững, trong đó, 73% tin rằng các thương hiệu cần có trách nhiệm tạo ra sự thay đổi tích cực trên thế giới và 80% cho rằng DN phải minh bạch về tác động môi trường trong quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Để đáp ứng yêu cầu này, các DN cần cung cấp cho NTD những sản phẩm bền vững mà họ muốn với mức giá mà họ sẵn sàng trả.

Các chuyên gia của EY đã nhấn mạnh vào 5 vấn đề trọng tâm DN cần thực hiện để nâng cao và lan tỏa giá trị của tính bền vững đến NTD:

Trước tiên, DN cần xác định tính bền vững như một động lực tạo ra giá trị. Đã có tới 54% NTD giảm hoặc ngừng hoàn toàn việc mua hàng từ các tổ chức mà họ cho rằng không có hành động phù hợp về các vấn đề môi trường hoặc xã hội. Tính bền vững đang trở thành một yếu tố khác biệt thúc đẩy tăng trưởng và ngay cả khi NTD không muốn trả nhiều hơn cho các thương hiệu bền vững, họ vẫn có nhiều khả năng sẽ mua sản phẩm đó hơn các sản phẩm thay thế khác.

Ngoài ra, đầu tư vào các hoạt động bền vững có thể thúc đẩy hiệu quả kinh doanh bởi các sản phẩm tạo ra ít chất thải hơn và tồn tại lâu hơn có thể giảm chi phí, làm cho chi phí bền vững trở nên hợp lý hơn đối với NTD.

Thứ hai, DN cần nhìn nhận một cách tổng thể, không bó hẹp tính bền vững chỉ về khí hậu và thế giới tự nhiên. Ở các thị trường khác nhau, NTD có những ưu tiên khác nhau về sự đa dạng, hòa nhập, bất bình đẳng, thực hành lao động, sức khỏe và an toàn...

Tất cả những vấn đề này đều quan trọng và việc DN cần làm là tập trung vào những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh cụ thể của mình. Đồng thời, DN cần biến tính bền vững trở thành một phần của văn hóa DN và đưa nó vào quá trình ra quyết định để mọi người đều hướng tới một mục tiêu chung.

Thứ ba, DN sử dụng dữ liệu thích hợp nhất để chứng minh sự tiến bộ và tận dụng công nghệ để cung cấp tính minh bạch cũng như khả năng truy xuất nguồn gốc mà NTD yêu cầu.

Thứ tư, DN có thể tạo nên tác động tích cực trên toàn bộ chuỗi giá trị. Chẳng hạn, việc cắt giảm 25% lượng nước sử dụng trong một nhà máy có thể giảm một khoản chi phí, nhưng việc cắt giảm 5% lượng nước ở tất cả các nhà máy lại có tác động ý nghĩa hơn.

Các công ty được đánh giá không chỉ dựa trên hoạt động của riêng họ mà còn dựa trên tác động của sản phẩm và đối tác trong suốt vòng đời sản phẩm. Vì vậy, tất cả các tổ chức trong chuỗi giá trị cần làm việc cùng nhau và chia sẻ trách nhiệm về các vấn đề có ảnh hưởng toàn cầu.

Cuối cùng, DN có thể thiết kế lại mô hình hoạt động để thực thi bền vững. Trong đó, mô hình hoạt động trong tương lai nên kết hợp 5 yếu tố gồm: Hệ sinh thái năng động, phát triển dựa trên dữ liệu và phân tích để đưa ra quyết định trong thời gian thực, làm việc linh hoạt, nền tảng đổi mới nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, mục đích lâu dài thúc đẩy mọi quyết định và hoạt động./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
5 yếu tố giúp doanh nghiệp lan tỏa giá trị bền vững đến người tiêu dùng