Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), lao động đi làm việc ở nước ngoài tập trung chủ yếu ở một số thị trường trọng điểm là Nhật Bản với 32.053 lao động (14.883 nữ), Đài Loan với 15.633 lao động (4.736 nữ) và Hàn Quốc là 1.209 lao động (42 nữ).
Với việc mở rộng tiêm chủng và thay đổi chính sách phòng chống dịch bệnh, nhiều nước đã mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Cụ thể, thị trường các nước châu Âu mở cửa trở lại từ năm 2021, Hàn Quốc từ tháng 5/2021, Đài Loan từ giữa tháng 02/2022, Nhật Bản từ tháng 3/2022.
Một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp.
6 tháng đầu năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 27/4/2022 về việc tiếp tục thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.
Công tác tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại CHLB Đức theo Chương trình 3 bên cùng có lợi và tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) cũng đã được triển khai.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ký kết Bản Ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp tại Australia với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia; Bản Ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Malaysia.
Mới đây, ngày 20/6, Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã ký kết Bản ghi nhớ về Chương trình phái cử - tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Đây là lần thứ tư Bản ghi nhớ được ký kết.
Theo đó, Bản ghi nhớ bổ sung thêm một số nội dung để mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh tham gia Chương trình.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Đây là Chương trình phi lợi nhuận với quy trình tuyển chọn đảm bảo thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch trên các kênh truyền thông đại chúng.
Người lao động tham gia Chương trình không mất tiền phí dịch vụ, chỉ phải nộp các khoản chi phí cá nhân; được hỗ trợ tiền học phí và ký túc xá trong thời gian đào tạo chính thức. Việc này tạo điều kiện cho nhiều người lao động của Việt Nam, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, khó khăn, lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nguyện vọng đăng ký tham dự.
6 tháng cuối năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước có lao động Việt Nam để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thông tin và hướng dẫn các DN đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong tình hình dịch bệnh và theo quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài của nước sở tại.
Việc trao đổi, đàm phán, ký kết hiệp định, thỏa thuận hợp tác lao động song phương với các nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam sẽ tiếp tục được thực hiện để bảo đảm các quyền và lợi ích của người lao động cũng như kịp thời hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài./.
THÀNH ĐỨC