Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường một cách bền vững

(BKTO) – Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các giải pháp để hạn chế tối đa những tác động xấu từ phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường, đồng thời ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH).



                
   

Sạt lở nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long do tác động của BĐKH. Ảnh: N.LỘC

   

Nguy cơ ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh, quy mô dân số đông đặt ra những vấn đề gay gắt về dân sinh, cải thiện đời sống và vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT).

Dẫn Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS,TS. Trần Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, tại nhiều đô thị như Hà Nội, TP.HCM và các khu công nghiệp, nồng độ khí thải CO2 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 2,5 lần. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác mỏ, vật liệu xây dựng… thiếu biện pháp kiểm soát hiệu quả cũng đang làm hủy hoại môi trường sinh thái.

Chỉ ra tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay còn xuất phát từ các làng nghề, GS,TS. Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay cả nước có hơn 5.400 làng nghề, riêng Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề. Đây là những nơi được đánh giá là có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng do các cơ sở sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ nhìn chung lạc hậu, chưa đầu tư thích đáng vào xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải.

Trong khi đó, đề cập đến những tác động của BĐKH, nổi cộm là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia dự báo, trong khoảng 100 năm nữa, vùng đất khu vực này sẽ thấp hơn mực nước biển khoảng 1m và các địa phương trong vùng mỗi năm sụt lún khoảng 1-1,5 cm. PGS,TS. Vũ Thanh Ca (trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, đây chính là thách thức lớn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội vùng, cũng như từng địa phương.

“Tác động của BĐKH ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng rõ nét, hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra không những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất mà còn làm thay đổi các cấu trúc, yếu tố địa tầng, gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông” - PGS,TS. Vũ Thanh Ca lưu ý.

Theo các chuyên gia về môi trường, tại các quốc gia đang phát triển, việc phát triển kinh tế luôn phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường, Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Thực tế, Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng như nạn phá rừng, sói mòn đất, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên đe dọa tới các hệ sinh thái... Thực trạng môi trường này đi cùng với vấn đề BĐKH, nước biển dâng đang đặt ra thách thức đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Việt nam.

Tại Hội thảo “Các vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường trong phát triển” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức mới đây, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung làm rõ các thách thức trong BVMT khi thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế... Bối cảnh đó đặt ra cho Việt Nam nói riêng, các nước đang phát triển nói chung phải có cách tiếp cận hệ thống trong giải quyết các vấn đề của thời đại, nhất là khi toàn cầu và khu vực đang có nhiều biến động về chính trị, kinh tế, xã hội và BĐKH hiện nay.

Cân bằng phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Nhấn mạnh yêu cầu cân bằng trong phát triển kinh tế với BVMT, các chuyên gia cũng cho rằng, đây chính là giải pháp phát triển bền vững và là động lực quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư đến Việt Nam.
                
   

Cần tăng cường giải pháp để BVMT khi phát triển kinh tế - xã hội.
   Ảnh sưu tầm

   

Theo PGS,TS. Đinh Đức Trường – Trưởng khoa Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (trường Đại học Kinh tế Quốc dân), nhằm phát triển nền kinh tế xanh hơn, thực hiện hiệu quả các chính sách, cam kết về phát thải khí nhà kính, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cần ưu tiên hoàn thiện chính sách pháp luật về BĐKH; thúc đẩy áp dụng các mô hình phát triển kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn nhằm giảm phát thải khí nhà kính... “Đây là động lực để thu hút đầu tư nước ngoài và là bước đi quan trọng để Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế trung hòa về carbon vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế” - PGS,TS. Đinh Đức Trường cho biết.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước trong ứng phó với tình trạng BĐKH, GS,TS. Harry Futselaar (trường Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion, Hà Lan) đã chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước. GS,TS. Harry Futselaar cũng khuyến nghị cần thúc đẩy hợp tác công tư để tăng cường nguồn lực trong nghiên cứu về tài nguyên nước. Bởi, chỉ trên cơ sở nghiên cứu để nhận diện đúng thì mới có giải pháp góp phần quản lý, sử dụng nguồn nước đúng cách, hiệu quả.

Với góc nhìn từ DN, đại diện đến từ Tập đoàn OpenAsia (Pháp) cho rằng, để thực hiện BVMT, nỗ lực từ chính quyền là chưa đủ, mà các DN cần phải nêu cao trách nhiệm với cộng đồng. Thực tế cách làm của Tập đoàn OpenAsia đã cho thấy, khi DN hành động có trách nhiệm với môi trường, các hoạt động kinh doanh của DN sẽ thuận lợi hơn, thu hút được các nhà đầu tư và xây dựng được những giá trị bền vững đối với khách hàng.

Nhắc lại quan điểm của Chính phủ Việt Nam trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được ban hành, đó là: Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế…, lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Khi chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề BVMT đã thông suốt, nhất quán, hành lang pháp lý đã có, thì yêu cầu bức thiết là phải tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả vấn đề phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT. Trong đó, vai trò hợp tác, liên kết giữa các cơ quan, tổ chức nhằm giúp nâng cao nhận thức, hành động về môi trường là yếu tố quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện các cam kết của Chính phủ về BVMT.
         
Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với BĐKH; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.
N.LỘC
Cùng chuyên mục
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường một cách bền vững