Lợi thế của nước đi lên từ nông nghiệp
Theo đánh giá của các doanh nghiệp và chuyên gia, là nước đi lên từ nông nghiệp, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển NNCNC. Trong đó, lợi thế lớn nhất chính là nguồn đất đai rộng lớn và màu mỡ với diện tích đất nông nghiệp lên tới hơn 28 triệu ha, chiếm 84,5% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước.
Những khu vực chiếm tỷ trọng đất nông nghiệp lớn cùng với tỷ lệ màu mỡ cao như đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vốn đã trở thành những vựa nông sản lớn ghi dấu Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, nhu cầu nông sản chất lượng cao ngày càng tăng đang tạo ra áp lực lớn, nhưng cũng đồng thời mang đến cơ hội cho phát triển NNCNC. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến giá cả mà còn đặc biệt chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm và tính bền vững của sản phẩm.
Để đáp ứng nhu cầu này, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trở nên cần thiết. Trong đó, các phương pháp hiện đại như hệ thống tưới tiêu tự động, nhà kính, thủy canh và công nghệ sinh học giúp cải thiện năng suất, chất lượng và độ an toàn của nông sản. Nông sản chất lượng cao không chỉ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng mà còn nâng cao giá trị gia tăng, từ đó tăng thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.
85,7% số doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng mức độ ứng dụng thực hành NNCNC tại Việt Nam hiện mới dừng ở mức đang phát triển.
Kết quả khảo sát tháng 7/2024
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cũng đòi hỏi nông sản chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các nước nhập khẩu. Việc ứng dụng công nghệ cao giúp nông sản Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao uy tín.
Theo chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, một số công nghệ và kỹ thuật hiện đại được ứng dụng phổ biến hiện nay gồm: Phát triển ứng dụng di động và nền tảng kỹ thuật số để kết nối nông dân với thị trường; tăng cường đầu tư vào máy bay không người lái (drones) trong nông nghiệp để phun thuốc, theo dõi cây trồng; tăng cường sử dụng các cảm biến cơ bản và công cụ thu thập dữ liệu để theo dõi tình trạng sức khỏe cây trồng và môi trường.
Cùng với đó là phát triển các giải pháp công nghệ cao phù hợp với địa phương và giá cả phải chăng cho các trang trại vừa và nhỏ. Mối quan tâm cũng ngày càng tăng đối với giải pháp canh tác theo chiều dọc và nông nghiệp có môi trường được kiểm soát đối với cây trồng có giá trị cao; thực hiện các dự án thí điểm và trang trại ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ cao.
Sở hữu đất đai manh mún làm khó doanh nghiệp
Tuy nhiên, NNCNC của Việt Nam vẫn còn khá tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm hơn 1/3 dân số cả nước nhưng số lượng doanh nghiệp còn hạn chế.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có khoảng 290 doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 70% đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao.
Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra những thách thức hàng đầu cản trở ứng dụng NNCNC như sở hữu đất đai manh mún và thách thức từ việc cho thuê đất; các hạn chế về tiếp cận công nghệ, vốn cũng như kiến thức.
Hậu quả của sở hữu đất đai manh mún là sản xuất không hiệu quả, khó ứng dụng công nghệ cao và khó khăn trong việc quản lý. Nông dân phải tốn nhiều chi phí và công sức hơn cho cùng một đơn vị sản phẩm so với canh tác trên diện tích lớn.
Điều đáng mừng là Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 tới đây sẽ có tác động rất lớn đến việc tích tụ đất nông nghiệp, thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân phát triển kinh tế. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây thực sự là cuộc “cách mạng” về đất nông nghiệp, mang tính đột phá, kỳ vọng nhiều thay đổi trong thời gian tới.
Trong khi đó, thị trường cho thuê đất ở Việt Nam chưa phát triển hoàn thiện. Nông dân thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng cho thuê đất dài hạn, ổn định và an toàn về pháp lý. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ, vì họ không chắc chắn về quyền sử dụng đất trong tương lai.
Các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp cho biết nguồn thông tin liên quan đến NNCNC mà họ tiếp cận được hiện nay chủ yếu đến từ các chương trình của Chính phủ; hội chợ, triển lãm nông nghiệp; và các nhà cung cấp trong ngành, còn các nguồn thông tin khác còn rất hạn chế.
Kết quả phân tích truyền thông cho thấy, trong số những doanh nghiệp thu hút lượng thông tin nhiều nhất trên truyền thông, chỉ có Hoàng Anh Gia Lai và Lộc Trời có tỷ lệ tin mã hóa trên 10%, trong khi những doanh nghiệp còn lại đều có tỷ lệ dưới 10%. Con số này chứng tác doanh nghiệp trong ngành chưa thực sự chủ động trong hoạt động truyền thông khi lượng thông tin có nguồn từ phía doanh nghiệp chỉ chiếm 19,8% tổng số tin tức mã hóa.
Điểm sáng là có đến 42,9% số doanh nghiệp trong nghiên cứu đạt được ngưỡng hiệu quả về đa dạng thông tin với lượng thông tin bao phủ đạt 10/24 nhóm chủ đề và 64,3% số doanh nghiệp đạt được ngưỡng “an toàn” thông tin khi tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%.
Cần hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Để tiếp tục phát triển NNCNC một cách bền vững và hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, xây dựng các chính sách và quy định thuận lợi là yếu tố then chốt để hỗ trợ phát triển NNCNC tại Việt Nam. Thực tế đã có dự án NNCNC được triển khai từ nhiều năm nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động do các vướng mắc về cơ chế, chưa phân biệt được đó là nông nghiệp, công nghiệp hay công nghệ.
Do đó, trước hết, Chính phủ cần thúc đẩy cải cách đất đai để tạo điều kiện cho việc tích tụ đất đai, giúp nông dân mở rộng quy mô canh tác và ứng dụng công nghệ hiện đại. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục pháp lý và bảo đảm quyền sử dụng đất dài hạn cho nông dân.
Đồng thời, cần thiết lập các chương trình hỗ trợ tài chính, bao gồm các khoản vay ưu đãi, quỹ đầu tư và các gói tài trợ dành riêng cho NNCNC. Điều này giúp nông dân tiếp cận được nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào các thiết bị và công nghệ mới. Chính phủ cũng nên đầu tư vào việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nông dân thông qua các chương trình giáo dục, hội thảo và các khóa học chuyên sâu về công nghệ cao trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích hợp tác công tư (PPP) và thúc đẩy mối liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và nông dân để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm.
Ngoài ra, việc xây dựng một hệ thống thông tin và dữ liệu minh bạch, dễ tiếp cận sẽ giúp nông dân nắm bắt kịp thời các thông tin về thị trường, kỹ thuật canh tác và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Những chính sách và quy định thuận lợi này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của NNCNC tại Việt Nam./.