6 tháng đầu năm: Thu ngân sách Trung ương và địa phương đều đạt khá

(BKTO)- Phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành tài chính sáng 12/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả đạt được của ngành tài chính. Phó Thủ tướng cho rằng, tốc độ tăng thu NSNN 6 tháng tăng cao gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế.



Trình bày báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, đến hết tháng 6/2019, tổng thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng cao so với những năm gần đây. Trong đó: thu nội địa đạt 51,1% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 47,6%); thu dầu thô đạt 68% dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7%.

Đáng chú ý, cả thu ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) đều đạt khá; trong đó, thu NSTW đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu NSĐP đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán… Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2019, Bộ Tài chính sẽ phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán.
                
   

Hết tháng 6/2019, tổng thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018

   
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chủ động, tích cực của ngành Tài chính trong việc triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Nhờ đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN 6 tháng đầu năm đã đạt được khá toàn diện, tạo nền tảng quan trọng để phấn đấu hoàn thành kế hoạch cả năm đã đề ra. Đặc biệt, thu NSNN 6 tháng đạt 52,8% dự toán, tăng 13,2% so cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất từ năm 2015 trở lại đây, trong đó thu NSTW đạt 51,5% dự toán, là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng thu NSNN cao gần gấp đôi tăng trưởng GDP (GDP tăng 6,79% còn thu NSNN tăng 13,2%).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng: Về thu NSNN, trong dài hạn, Bộ phải rà soát lại tỷ lệ động viên, chính sách thu phải điều chỉnh để một mặt vừa nuôi dưỡng nguồn thu, mặt khác tăng tỷ lệ động viên trong một số lĩnh vực, ví dụ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… Chính sách tài chính phải chặt chẽ, nhưng phải thông thoáng. Mặc dù đây là bài toán rất khó nhưng phải phấn đấu thực hiện.

Phó Thủ tướng đề nghị: Năm 2019, thu NSNN phải tăng khoảng 5% so với dự toán. Trong đó, tất cả các địa phương phải hoàn thành dự toán thu.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng lưu ý các giải pháp, như: Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công và vốn vay ODA; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN; tập trung thực hiện các giải pháp thu, phấn đấu vượt kế hoạch đề ra, giảm số thuế nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN…

Ngoài ra, cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách, chấn chỉnh việc chi ngân sách lãng phí; tăng cường thanh, kiểm tra, tăng cường quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, xử lý nghiêm vi phạm, tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất, chuyển kho hải quan...

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng ngành tài chính sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2019, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và cả giai đoạn 2016 - 2020, tạo tiền đề tích cực để xây dựng dự toán NSNN năm 2020 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2020 - 2022.

THÙY AN
Cùng chuyên mục
6 tháng đầu năm: Thu ngân sách Trung ương và địa phương đều đạt khá