Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với DN sáng 08/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn thừa nhận thực tế trên, đồng thời bày tỏ quan ngại khi đợt dịch thứ 4 đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thông qua các kênh trao đổi thông tin trực tiếp và gián tiếp với cộng động DN, Bộ đã nhận diện và tổng hợp có 8 nhóm vấn đề khó khăn mà DN phải đối diện hiện nay.
Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70-80%.
Thứ hai, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Trong đó, ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn ảnh hưởng nặng nề đặc biệt từ tháng 4/2021 trở lại đây, doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Thứ ba, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5-10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2-4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch. Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan như chi phí xét nghiệm, chi đầu tư trang thiết bị để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại DN, chi phí hỗ trợ giữ chân người lao động.
Thứ tư, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Thứ năm, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý. Hậu quả, các DN bị chậm tiến độ giao/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.
Thứ sáu, khó khăn về lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh nhiều DN phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho DN tìm kiếm nguồn lao động trở lại làm việc khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử…
Thứ bảy, khó khăn về chuyên gia. Các DN, chủ yếu là DN FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh, đặc biệt đối với những tập đoàn lớn vào Việt Nam nghiên cứu, quyết định dự án quy mô lớn và cấp mới/điều chỉnh giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.
Thứ tám, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các DN còn cho biết, việc triển khai một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt./.
Tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840.000 DN đang hoạt động. Với tinh thần đồng hành với DN, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%. Điều đáng mừng là khi dịch bệnh căng thẳng, các DN Việt Nam không chỉ chủ động có những giải pháp linh hoạt tự thích ứng với hoàn cảnh, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất mà còn hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Nhiều sáng kiến được triển khai như: ATM gạo, ATM ô xy, bữa cơm miễn phí, siêu thị 0 đồng... |
HỒNG NHUNG