ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trong năm 2025 và 2026

(BKTO) - Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam vẫn sẽ vững vàng trong năm 2025 và 2026. Trong khi đó, ADB cũng đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong năm nay và năm tới.

adb.jpg
ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,3% vào năm 2025 và 6% vào năm 2026. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

ADB dự báo Ấn phẩm Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 7/2025 do ADB công bố hôm nay, ngày 23/7 cho biết: Các nền kinh tế trong khu vực sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2025, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4. Dự báo cho năm 2026 cũng được điều chỉnh giảm từ 4,7% xuống 4,6%.

Triển vọng cho châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển có thể tiếp tục bị ảnh hưởng từ việc leo thang căng thẳng thương mại và thuế quan của Hoa Kỳ. Các rủi ro khác bao gồm xung đột và căng thẳng địa chính trị có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá năng lượng tăng cao, cùng với sự suy yếu nặng nề hơn dự kiến của thị trường bất động sản tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Ông Albert Park - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB - nhận định: “Châu Á và Thái Bình Dương đã chống chịu được với môi trường bên ngoài ngày càng thách thức trong năm nay. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế đang suy yếu trước các rủi ro ngày càng gia tăng và sự bất định toàn cầu. Các nền kinh tế trong khu vực cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế và thúc đẩy mở cửa thương mại cùng hội nhập khu vực để hỗ trợ đầu tư, việc làm và tăng trưởng.”

Dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực - được giữ nguyên ở mức 4,7% trong năm nay và 4,3% trong năm tới. Các chính sách kích thích tiêu dùng và hoạt động công nghiệp dự kiến sẽ bù đắp phần nào tác động từ thị trường bất động sản suy yếu và xuất khẩu giảm.

Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực - được dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm 2025 và 6,7% trong năm 2026, giảm lần lượt 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng hồi 4, do tình trạng bất ổn về thương mại và mức thuế nhập khẩu cao hơn từ Hoa Kỳ tác động tới xuất khẩu và đầu tư.

Các nền kinh tế ở Đông Nam Á được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ điều kiện thương mại xấu đi và tình trạng bất định. ADB hiện dự báo tăng trưởng của tiểu vùng này đạt 4,2% trong năm 2025 và 4,3% trong năm 2026, giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm mỗi năm so với dự báo hồi tháng 4.

Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ vững vàng trong năm 2025 và 2026, mặc dù tăng trưởng có thể chững lại trong ngắn hạn do áp lực từ thuế quan. Tăng trưởng xuất - nhập khẩu mạnh mẽ cùng với sự gia tăng mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy nền kinh tế trong nửa đầu năm 2025.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đã được điều chỉnh giảm xuống còn 6,3% vào năm 2025 và 6% vào năm 2026. Lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống còn 3,9% vào năm 2025 và 3,8% vào năm 2026.

Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoại tăng 32,6%, trong khi giải ngân tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, đạt 31,7% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Việc đẩy mạnh xuất khẩu để ứng phó với bất ổn thuế quan đã thúc đẩy tăng trưởng thương mại, nhưng điều này khó có thể duy trì trong nửa cuối năm.

Dự kiến, nhu cầu xuất khẩu trong phần còn lại của năm 2025 và sang năm 2026 sẽ giảm. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) cho thấy sản xuất công nghiệp đã chậm lại từ cuối năm 2024.

Bất chấp những rủi ro gia tăng từ sự bất ổn về thuế quan, các cải cách trong nước, nếu được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng, có thể giảm thiểu những rủi ro này nhờ các yếu tố trong nước được củng cố.

Đi ngược lại xu hướng giảm là các nền kinh tế ở Cáp-ca-dơ và Trung Á. Dự báo tăng trưởng của tiểu vùng này được nâng lên 0,1 điểm phần trăm cho cả năm nay và năm sau, lần lượt ở mức 5,5% và 5,1%, chủ yếu nhờ kỳ vọng tăng sản lượng dầu mỏ.

Lạm phát tại châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tiếp tục hạ nhiệt, nhờ giá dầu giảm và sản lượng nông nghiệp cao giúp giảm áp lực giá lương thực. ADB dự báo lạm phát khu vực này ở mức 2,0% trong năm 2025 và 2,1% trong năm 2026, thấp hơn so với mức dự báo lần lượt là 2,3% và 2,2% trong tháng 4./.

Cùng chuyên mục
  • Vị Xuyên tháng Bảy: Khúc tráng ca giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh
    hôm qua Địa phương
    (BKTO) - Vị Xuyên (Tuyên Quang) - nơi ngàn bia mộ lặng yên giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh, mỗi độ tháng Bảy lại rực cháy sắc hương tri ân từ khắp mọi miền Tổ quốc. Nơi đây không chỉ là nghĩa trang, mà là bản hùng ca bất tận về những người con đã ngã xuống cho biên cương Tổ quốc.
  • Xử lý nghiêm vi phạm về nghĩa vụ tài chính trong bảo vệ môi trường
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tại cuộc làm việc của Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành” với Bộ Tài chính, diễn ra sáng 22/7.
  • Phát triển công nghệ cao: Cơ chế đã mở, bước tiếp theo là tạo đột phá
    hôm qua Đầu tư
    (BKTO) - TP. Hà Nội phấn đấu tăng trưởng trên 8%, tạo tiền đề tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo. Để làm được việc này đòi hỏi đẩy mạnh sản xuất tại các khu công nghệ cao, qua đó đưa kinh tế bứt tốc.
  • Từ mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tầm vóc Petrovietnam hiện đại
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Năm 1959, trong chuyến thăm Azerbaijan, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong Việt Nam có một “khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu”. Hơn 6 thập niên trôi qua kể từ khoảnh khắc lịch sử ấy, ngọn lửa nhiệt huyết mà Người nhen lên vẫn cháy mãi, soi đường cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp năng lượng nước nhà hôm nay.
  • Lạng Sơn phát triển du lịch từ Công viên địa chất toàn cầu
    hôm qua Địa phương
    Với việc đón nhận Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn, danh hiệu quốc tế danh giá ghi nhận giá trị địa chất, cảnh quan, văn hóa đặc sắc của vùng đất địa đầu Tổ quốc vào ngày 28/6 vừa qua. Sự kiện vừa là dịp để tôn vinh giá trị di sản địa chất và văn hóa truyền thống Lạng Sơn, đồng thời khởi đầu cho hành trình quảng bá tiềm năng du lịch, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trong năm 2025 và 2026