Ai phải chịu trách nhiệm khi để nhà ở bán sai đối tượng?

NHÓM PV (THỰC HIỆN) | 27/04/2025 17:06

(BKTO) - Đầu tư phát triển nhà ở xã hội là một chính sách an sinh xã hội có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách này trên thực tế vẫn còn xảy ra những tiêu cực đáng quan ngại cần tìm lời giải. Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam.

mua-nha.jpg
Nhà ở xã hội là giấc mơ an cư của những người thu nhập thấp. Ảnh minh họa: S.T

Thưa bà, một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay, đó là tình trạng bán nhà ở xã hội sai đối tượng, sai mục đích mà Kiểm toán nhà nước và nhiều cơ quan đã chỉ ra, cũng như các phương tiện truyền thông, trong đó có Báo Kiểm toán đã nhiều lần phản ánh. Bà có bình luận như thế nào về vấn đề này?

Có thể nhận thấy, trong thời gian qua khi các dự án nhà ở xã hội được mở bán, ngoài nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách theo quy định được tiếp cận mua nhà ở xã hội, có một thực tế xảy ra là vẫn có một số lượng nhất định những người không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách vẫn cố gắng bằng cách này cách khác để có thể được hưởng một suất mua nhà ở xã hội. Một trong những phương thức được áp dụng là nhờ người quen thuộc đối tượng đứng tên làm hồ sơ mua. Số lượng này tuy không nhiều, nhưng cũng là một vấn đề ảnh hướng đến tính công bằng của chính sách.

Mặt khác, theo thông tin của một số báo chí phản ánh có tình trạng như cơ quan chức năng và Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra, đó là một số trường hợp nhà ở xã hội bị bán sai đối tượng, có trường hợp được xác định là có dấu hiệu đã sở hữu nhà tại thời điểm mua, hoặc sử dụng không đúng mục đích… Tất cả thực trạng trên dẫn đến hệ quả là khiến cho tình trạng nhà ở xã hội vốn khan hiếm, nay càng khó đến với đúng đối tượng.

Sở dĩ có tình trạng này xảy ra là do nhu cầu về nhà ở có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của phần đông người tiêu dùng hiện nay là rất lớn. Trong khi đó, về phía cung, hiện nay mặt bằng giá nhà ở thương mại đã neo rất cao, khi các dự án cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp đều có mức giá cao “ngất ngưởng”. Đơn cử, tại thị trường Hà Nội, những dự án được phát triển ở những khu vực vùng ven nhưng mức giá bán cũng lên đến mức trung bình khoảng 70 triệu/m2, để tìm được những dự án có mức giá 30-40 triệu/m2 có thể ví khó như “mò kim đáy bể”. Trong bối cảnh đó, những người có thu nhập ở mức trung bình rất khó, nếu không muốn nói là không thể tiếp cận được với các dự án nhà ở thương mại với nền giá cao như hiện tại. Vì vậy, nhà ở xã hội là một “cứu cánh” và gần như là “cánh cửa” duy nhất để những người có thu nhập thấp có thể hiện thực giấc mơ an cư.

Đó là lý do nhà ở xã hội luôn là sản phẩm “hot” trên thị trường. Điều này cũng khiến một số cá nhân “nhạy bén, có sự quan tâm đến thị trường bất động sản” tranh thủ “cơ hội” kiếm lợi ích cá nhân từ việc “đầu tư nhà ở xã hội”, để “sang tên” hưởng chênh lệch, hoặc nhận được dòng tiền từ khai thác cho thuê.

Trong câu chuyện bán nhà ở xã hội sai đối tượng, theo bà, trách nhiệm thuộc về ai và cần có giải pháp như thế nào để ngăn ngừa vấn đề này?

z6531999049845_0657db4d77c4c24675f7e6d18123d2d4(1).jpg
Bà Phạm Thị Miền

Tôi cho rằng, việc nhà ở xã hội đến sai đối tượng nằm ở trách nhiệm, ý thức xã hội của chính những người mua sai đối tượng thụ hưởng. Mặc dù họ biết mình không đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách nhưng vẫn cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để “lách luật” mua nhà ở xã hội.

Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này, việc tăng cường kiểm soát, nhằm đảm bảo chính sách đến được với “đúng người” là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là biện pháp giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bởi, thay vì tập trung vào việc xử lý biểu hiện, cái chúng ta cần hơn chính là tìm ra căn nguyên và xử lý nó tận gốc. Có như vậy mới trị được dứt điểm và ngăn ngừa tình trạng này tái diễn trong tương lai.

Theo đó, tôi cho rằng, chỉ khi nào nguồn cung phân khúc nhà ở giá bình dân, trong đó bao gồm cả nhà ở thương mại và nhà ở xã hội được cải thiện, tiến dần đến mức cân bằng với nhu cầu của người dân, thì khi đó câu chuyện nhà ở xã hội đến sai đối tượng tự khắc sẽ được khắc chế. Đây mới chính là điều chúng ta cần hướng đến. 

Để có thể làm được như vậy, cần có những cơ chế, chính sách thực sự mở và hỗ trợ để doanh nghiệp tự tin hơn, hào hứng hơn trong việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, những vướng mắc nào đã được gỡ theo quy định của luật mới, cần được quán triệt áp dụng vào thực tiễn một cách nhanh chóng và quyết liệt. Những vướng mắc nào còn là rào cản cần tiếp tục nghiên cứu, có biện pháp tháo gỡ ngay.

Với quy định về nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách, cũng cần có lộ trình mở rộng dần ra, để hướng đến mục tiêu an cư cho càng nhiều người dân càng tốt.

Một vấn đề nữa cũng được dư luận đặc biệt quan tâm là giá bán nhà ở xã hội còn cao. Một trong những nguyên nhân được Kiểm toán nhà nước chỉ ra qua hoạt động kiểm toán đó là do cơ chế kiểm soát của cơ quan chức năng đối với chủ đầu tư còn chưa chặt chẽ, dẫn đến chủ đầu tư có thể tăng giá bán bằng việc tăng giá chi phí đầu tư, tính vào giá bán nhà ở xã hội. Bà đánh giá ra sao về vấn đề này?

Liên quan đến câu chuyện giá bán nhà ở xã hội còn cao, tôi có thể chia sẻ một số vấn đề.

Thứ nhất, bất động sản nói chung là một sản phẩm đặc thù, thời gian để hình thành sản phẩm từ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư, xin giấy phép… đến khi chào hàng là một khoảng thời gian tương đối dài, với rất nhiều quy trình, thủ tục phải thực hiện. Đối với sản phẩm nhà ở xã hội, do được thụ hưởng một số chính sách ưu đãi của Nhà nước nên nhiều quy trình còn chặt chẽ hơn so với quy trình thông thường, khiến nhiều chủ đầu tư phản ánh là thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội còn lâu hơn cả thực hiện dự án nhà ở thương mại. Thời gian thực hiện dài sẽ khiến cho chi phí đầu tư phát triển nhà ở xã hội chưa tối ưu, từ đó giá bán chưa thực sự hỗ trợ được cho người mua nhà như kỳ vọng.

Hiện nay, hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực nhà ở, bất động sản đã được thực thi, trong đó có một số quy định cởi mở, ưu đãi hơn cho chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên vẫn còn cần có thêm thời gian để những chính sách mới thực sự “ngấm”.

Do đó, tôi cũng kỳ vọng trong thời gian tới, quá trình thực hiện đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có dự án nhà ở xã hội sẽ thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư, thời gian thực hiện rút ngắn hơn…, từ đó là cơ sở để các chủ đầu tư có thể tối ưu hoá chi phí đầu tư kéo theo giá bán nhà ở xã hội cũng ở mức phù hợp hơn, tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp có cơ hội “chạm tới”.

Thứ hai, hiện nay, chúng ta chưa có những quy định về tiêu chuẩn chung cho nhà ở xã hội. Nếu chúng ta có thể sớm nghiên cứu đưa ra bộ tiêu chuẩn cùng mô hình mẫu đối với phân khúc này, để từ đó có thể triển khai trên diện rộng, thì tôi tin, giá bán nhà ở xã hội cũng sẽ được xác định ở mức ưu đãi hơn, trong khi lợi ích chủ đầu tư vẫn được đảm bảo, do một số hạng mục chi phí được tiết giảm.

Bên cạnh đó, theo thông tin của một số báo chí phản ánh, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra vẫn còn những tồn tại nhất định liên quan đến việc kiểm soát của cơ quan chức năng đối với hoạt động đầu tư xây dựng của chủ đầu tư, dẫn đến còn tình trạng là phương án tính giá chưa tính đến lợi nhuận phần diện tích căn hộ thương mại và sàn kinh doanh dịch vụ thương mại để bù đắp chi phí đầu tư, giảm giá bán/cho thuê/thuê mua nhà; giá trị thực cho đầu tư xây dựng thấp hơn giá được chủ đầu tư quyết toán… dẫn đến giá bán nhà cho người dân còn cao. Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc hơn trong thời gian tới, để đảm bảo giúp người thu nhập thấp được tiếp cận nhà ở xã hội với mức giá phù hợp.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Xác định việc triển khai phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Báo Kiểm toán đang triển khai Tuyến bài “Gỡ nút thắt, ngăn trục lợi chính sách nhà ở xã hội”, nhằm thông tin đến độc giả những kết quả đáng ghi nhận của doanh nghiệp trong triển khai dự án, cũng như nhận diện thách thức, gợi mở giải pháp thúc đẩy việc triển khai dự án hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực. Sau khi bài viết được đăng tải đã nhận được phản hồi từ các chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này. Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục đăng tải tới độc giả.

Cùng chuyên mục
  • Giải ngân đầu tư công tăng tốc nhưng chưa bứt phá
    20 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 4/2025 đã có dấu hiệu tăng tốc, giúp thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân lũy kế 4 tháng vẫn còn thấp so với yêu cầu. Nhiều vướng mắc về cơ chế, tổ chức thực hiện và phân bổ vốn tiếp tục cản trở tiến độ, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt tháo gỡ trong thời gian tới.
  • Bình Định: Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025
    21 giờ trước Địa phương
    (BKTO) - Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Định đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án và thực hiện nhanh các thủ tục thanh, quyết toán vốn đầu tư đã được tỉnh phân bổ, quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025.
  • Đề xuất hỗ trợ 5.000 tỷ đồng vốn nhà nước tăng vốn cho Ngân hàng Hợp tác xã
    22 giờ trước Ngân hàng - Tín dụng
    Sáng 26/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã (HTX) Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước.
  • Đề xuất miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học
    22 giờ trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Phiên họp sáng 26/4, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc đồng ý các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 (bao gồm cả nội dung giảm tiền thuê đất năm 2025).
  • Vòng chung kết Giải cầu lông, bóng bàn phong trào TKV năm 2025
    hôm qua Doanh nghiệp
    Giải cầu lông, bóng bàn phong trào Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2025 là một trong các hoạt động VHTT của TKV chào mừng kỷ niệm ngày 50 năm ngày giải phóng Miền Nam - Thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2025), chào mừng 70 năm ngày giải phóng Vùng mỏ 25/4 (1955 - 2025); chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Ai phải chịu trách nhiệm khi để nhà ở bán sai đối tượng?