Quản lý đối tượng thụ hưởngcòn lỏng lẻo
Báo cáo đã tiết lộ các sai phạm tài chính nghiêm trọng của các cơ quan Bộ, ngành trong lĩnh vực: Năng lượng, Thực phẩm và Vật tư, Phúc lợi xã hội, Y tế và Quản lý rừng liên quan đến các chương trình của Chính phủ. Do những sai phạm này, Chính phủ Ấn Độ đã bị tổn thất tài chính hàng chục tỷ Rupee, khiến những người thụ hưởng cũng không thể nhận được lợi ích đầy đủ của các chương trình phúc lợi xã hội.
Điển hình như tại Sở Phúc lợi xã hội bang Uttarakhand, số tiền sai phạm là 200 triệu Rupee được cho là đã chuyển vào tài khoản của hơn 70 triệu người thụ hưởng không hợp lệ tại bang Uttarakhand. Báo cáo của CAG không những chỉ ra những sai phạm mang tính quy trình trong số hóa các hồ sơ quản lý người thụ hưởng, mà còn chỉ ra tính bất hợp lý trong cơ chế giải quyết khiếu nại của Sở này.
Tại Uttarakhand, theo chương trình phúc lợi của Bang, những người thụ hưởng ở độ tuổi từ 60 - 79 sẽ nhận lương hưu là 200 Rupee/tháng và những người trên 80 tuổi sẽ nhận 500 Rupee/tháng. Song cuộc kiểm toán đối với cơ sở dữ liệu người thụ hưởng đã tiết lộ rằng, có tới 117.000 người thụ hưởng (tính đến tháng 3/2018) không có thông tin nhận dạng rõ ràng hoặc thậm chí không có thông tin vẫn được nhận trợ cấp. Cuộc kiểm toán cũng cho thấy lương hưu đã được chi trả cho cả những người đã qua đời.
Phản hồi trước các phát hiện kiểm toán, người đứng đầu Sở Phúc lợi xã hội bang Uttarakhand thừa nhận các số liệu và thông tin này và cho biết sẽ có những hành động cần thiết để thu hồi lại các khoản thanh toán đã chi trả cho những người thụ hưởng đã mất, đồng thời sẽ áp dụng biện pháp xử lý thích hợp với những quan chức sai phạm liên quan gây thiệt hại tài sản cho Chính phủ Ấn Độ.
Tăng cường quản lý,cải thiện mức thâm hụt ngân sách
Trong báo cáo, CAG đã đưa ra nhiều khuyến nghị liên quan đến quản lý tài chính và quản lý ngân sách đối với Chính phủ Ấn Độ. Về quản lý tài chính, CAG cho rằng, Chính phủ nên điều tra lý do hụt thu thuế và có biện pháp cải thiện nguồn lực, đưa mức thâm hụt ngân sách xuống dưới 3,25% GDP; có thể tăng chi đầu tư và tìm ra cách thu lợi nhuận từ những DN công mà Chính phủ đang rót vốn; hoàn thành các dự án chậm tiến độ và đảm bảo rằng không phát sinh thêm chi phí; phân bổ nhiều ngân sách hơn cho lĩnh vực y tế.
Liên quan đến quản lý ngân sách, CAG khuyến nghị Chính phủ nên quản lý chi ngân sách nghiêm ngặt hơn, đồng thời đảm bảo rằng tiền được lấy từ quỹ dự phòng phải được hoàn trả lại đúng hạn và chỉ nên được sử dụng cho công việc dự phòng.
Trước đó, hồi tháng 8/2018, CAG cũng từng lên tiếng cảnh báo cơ chế quản lý tài chính của Chính phủ Ấn Độ trong Chương trình An sinh xã hội Dayanand và Griha Aadha. Theo đó, khi đối chiếu dữ liệu từ Cơ quan Đăng ký khai sinh - khai tử và lập bản đồ dữ liệu người thụ hưởng, CAG phát hiện có 108 người thụ hưởng theo Chương trình An sinh xã hội Dayanand và 31 người thụ hưởng theo Chương trình Griha Aadhar đã hết thời hạn thụ hưởng nhưng vẫn nhận được hỗ trợ tài chính thường xuyên từ năm 2012 đến 2017. CAG kết luận, những thiếu sót, yếu kém trong thẩm định và kiểm soát hồ sơ xét duyệt tại các cơ quan quản lý dẫn đến việc nhiều người dân có tài chính tốt vẫn tiếp tục nhận hỗ trợ tài chính theo các chương trình phúc lợi của Chính phủ. Ngoài ra, thất thoát ngân sách trong các chương trình này cũng một phần do việc áp dụng không hợp lý những quy định của Chương trình An sinh xã hội.
Theo CAG, nhìn chung, mô hình an sinh xã hội của Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề pháp lý, vận hành và tính bền vững. Đặc điểm nổi bật trong hệ thống an sinh xã hội của Ấn Độ là sự chắp vá. Một số quỹ hình thành tự nhiên mà không có hỗ trợ của Chính phủ. Một số chương trình do Chính phủ thực hiện nhưng thiếu sự tính toán cụ thể về chi phí, tính bền vững dẫn đến thất bại. Nhiều chương trình chỉ ở quy mô nhỏ, áp dụng với một số đối tượng hoặc một số địa bàn cụ thể. Do mô hình an sinh xã hội thiếu tính thống nhất nên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu an sinh xã hội tại Ấn Độ hiện nay.
NGỌC QUỲNH