Ấn Độ: Trợ cấp Covid-19 không đến tay người dân bang Jharkhand

(BKTO) - Bộ Phát triển nông thôn Ấn Độ vừa công bố Báo cáo kiểm toán xã hội liên quan đến việc thực hiện trợ cấp cho người dân bị tác động bởi đại dịch Covid-19, trong đó chỉ trích mạnh mẽ chính quyền bang Jharkhand không minh bạch trong thực hiện các chương trình trợ cấp.




Dòng người lao động Ấn Độ trở về quê nhà do mất việc. Ảnh: ST

Nhiều người dân không nhận được hỗ trợ

48% người dân tại bang Jharkhand đã không nhận được đủ 2 tháng khẩu phần trợ cấp như lời hứa của chính quyền Bang trong thời gian giãn cách xã hội. Trong số 1.255 gia đình được kiểm tra, có phụ nữ mang thai hoặc trẻ em dưới 5 tuổi đủ điều kiện nhận hỗ trợ của Trung tâm Y tế cộng đồng (Anganwadi), thì chỉ có 1.086 hộ gia đình nhận được các khoản phúc lợi; trong số đó có hơn một phần ba không nhận được hỗ trợ dinh dưỡng. Trong số 1.767 hộ gia đình đủ điều kiện theo Chương trình Bữa ăn giữa ngày, khoảng 20% không nhận được các khoản phúc lợi.

Đây là một trong số những phát hiện được đề cập trong bản báo cáo do Vụ Kiểm toán xã hội - Bộ Phát triển nông thôn Ấn Độ thực hiện. Mục tiêu chính của cuộc kiểm toán nhằm thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội ở Ấn Độ.

Cuộc kiểm toán được thực hiện tại 23 quận, gồm 254 khu nhà ở của bang Jharkhand trong khoảng thời gian từ ngày 27/4 - 07/5/2020. Theo đó, xem xét tới ba chương trình hỗ trợ thực phẩm: Hệ thống phân phối công cộng (PDS), Dịch vụ phát triển trẻ em tích hợp (ICDS) - còn biết đến với cái tên Trung tâm Y tế cộng đồng Anganwadi và Chương trình Bữa ăn giữa ngày (MDM). Báo cáo kiểm toán sau đó đã được gửi tới các đơn vị liên quan.

Báo cáo cho biết, bên cạnh đại dịch Covid-19, nghèo đói đang là một vấn đề lớn của cộng đồng mà người lao động nhập cư và những người dân dễ bị tổn thương khác ở Ấn Độ, đặc biệt là bang Jharkhand hiện phải đối mặt.

Dân nghèo Ấn Độ với nỗi lo chết đói vì dịch Covid-19

Từ khi lệnh phong tỏa được ban bố vào cuối tháng 02/2020, hàng triệu lao động phụ thuộc vào lương ngày ở Ấn Độ đã mất việc làm. Hàng trăm nghìn người phải trở về quê nhà, còn những người kẹt lại ở các thành phố lớn thì phải sống trong những điều kiện chật chội, mất vệ sinh. Lệnh phong tỏa đã khiến những người nghèo ở Ấn Độ trở thành nhóm người bị tác động nhiều nhất.

Hôm 26/3/2020, Chính phủ Ấn Độ đã phải công bố gói viện trợ hơn 22 tỷ USD để thực hiện phân phát nhu yếu phẩm miễn phí như lúa mì, gạo cho khoảng 813 triệu người trong vòng 3 tháng, cung cấp gas nấu ăn miễn phí cho phụ nữ ở nông thôn, hỗ trợ tài chính cho nông dân, công nhân xây dựng và người cao tuổi. Đây được cho là giải pháp giúp người nghèo sống sót trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực.

Theo dữ liệu của Chính phủ, gần 67% dân số Ấn Độ đủ tiêu chuẩn nhận lương thực trợ cấp theo Đạo luật về an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội cho rằng cách phân bổ thực phẩm không đồng đều nên ít nhất khoảng 100 triệu người nghèo nhất ở Ấn Độ vẫn không được hỗ trợ.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 14/4/2020, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định, các biện pháp phong tỏa toàn quốc, giãn cách xã hội là bắt buộc với Ấn Độ, cho dù chúng gây ra hệ quả lớn cho xã hội. Ngay cả khi đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài hơn 2 tháng, dịch bệnh vẫn chưa đạt đỉnh dịch và số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng với tốc độ cao. Tính đến hết ngày 04/7/2020, Ấn Độ đã ghi nhận 650.431 ca, trong đó, 18.669 ca tử vong. Chỉ trong khoảng 1 tháng, số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần so với con số 100.000 vào hồi giữa tháng 5. Số ca mắc Covid-19 tăng cao là điều đã được dự đoán trước ở một quốc gia lớn như Ấn Độ với dân số đông và là nơi bùng phát nhiều dịch bệnh khác như: lao, tim mạch và tiểu đường.

Song thách thức lớn nhất đặt ra đối với Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi là hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ thường xuyên thiếu hụt ngân sách. Hệ thống này phải chịu nhiều áp lực do cách thức tổ chức. Hệ thống chăm sóc y tế nhà nước yếu kém trong khi của tư nhân lại mạnh. Hai mô hình này đã không cùng nhau phối hợp để phản ứng nhanh trước cuộc khủng hoảng Covid-19. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng rơi vào tình trạng thiếu nhân viên y tế, máy thở, thiết bị bảo hộ cá nhân và năng lực cần thiết để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.

NGỌC QUỲNH
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Trợ cấp Covid-19 không đến tay người dân bang Jharkhand