An Giang: Đẩy mạnh phát huy vai trò hội nông dân các cấp

(BKTO) - Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp của tỉnh An Giang đã tập trung củng cố tổ chức, phát huy vai trò hỗ trợ nông dân; đồng thời tăng cường tuyên truyền, định hướng để nông dân tích cực tham gia phát triển sản xuất và các phong trào tại địa phương.

hoi-nd.jpg
Ứng dụng cơ giới hóa trên những cánh đồng ở An Giang. Ảnh minh họa: TS

Theo Hội Nông dân tỉnh An Giang, trong 3 tháng đầu năm 2025, các cấp hội trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp (nhiệm kỳ 2023-2028)… được 1.265 cuộc, với gần 40.000 lượt người tham dự. Đồng thời, tăng cường phổ biến các mô hình làm kinh tế hiệu quả, làm cơ sở để nông dân học hỏi, nhân rộng, qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động tại nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong mục tiêu hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại An Giang. Trên cơ sở đó, hội nông dân các cấp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, các buổi hội thảo, với gần 400 lượt hội viên, nông dân tham dự.

Về công tác hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân, bên cạnh nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp hội trong tỉnh còn phối hợp Ngân hàng Kiên Long hỗ trợ vốn sản xuất - kinh doanh đối với khách hàng là hội viên, nông dân. Đến nay, đã triển khai toàn tỉnh, với tổng số dư nợ trên 35 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh An Phú cho vay 171 hộ, có tổng dư nợ gần 17 tỷ đồng.

Đặc biệt, phát huy vai trò nông dân trong xây dựng nông thôn mới, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã vận động cất 1 căn nhà cho hội viên nghèo, xây mới và sửa chữa 2 cây cầu, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn, thay mới 30 bóng đèn, sửa chữa 40 bóng đèn năng lượng… với tổng kinh phí hơn 198 triệu đồng và 217 ngày công lao động.

Đồng thời, vận động tháo dỡ 5 căn nhà cất trái phép trên tuyến kênh, tuyên truyền người dân khu vực chợ tháo dỡ mái che lấn chiếm hai bên đường. Thường xuyên tuyên truyền, vận động, giáo dục hội viên, nông dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng cộng đồng dân cư tiên tiến, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Tổ chức cho hội viên nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, với 1.729 hộ tham gia.

Phát huy kết quả đạt được, trong quý II/2025, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng công tác hội và cập nhật kiến thức mới về chuyển đổi số cho cán bộ, lực lượng nòng cốt. Tập huấn kỹ năng bán hàng thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên, nông dân.

Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, công tác thi đua khen thưởng... Tổ chức các lớp nâng cao năng lực cho hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, các câu lạc bộ, chi - tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp về kiến thức khởi nghiệp, chuyển đổi số.

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, sẽ tập trung thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại An Giang.

Ngoài ra, Hội cũng tiếp tục củng cố, kiện toàn câu lạc bộ doanh nhân nông thôn gắn với cửa hàng nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh An Giang; xây dựng kế hoạch tổ chức Phiên chợ hàng nông sản an toàn và Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lần thứ VIII năm 2025; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nông dân khởi nghiệp sáng tạo” giai đoạn 2023-2025.../.

Cùng chuyên mục
An Giang: Đẩy mạnh phát huy vai trò hội nông dân các cấp