Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình, đến hết năm 2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 5.308,3 tỷ đồng, tăng hơn 487 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023, hoàn thành 99,9% kế hoạch giao tăng trưởng năm. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 101,6 nghìn hộ vay vốn chính sách, dư nợ bình quân gần 52,2 triệu đồng/hộ.
Trong năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 4.655 lượt hộ nghèo, 4.030 lượt hộ cận nghèo, 2.549 lượt hộ mới thoát nghèo, 4.165 lượt khách hàng vùng khó khăn, 50 lượt người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng.
Nguồn vốn đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 6.986 lao động; xây 43 nhà ở xã hội; giúp 139 học sinh, sinh viên vay vốn chi phí học tập; 140 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng, nâng cấp 10.973 công trình nước sạch, 10.787 công trình vệ sinh tại vùng nông thôn.
Để phát huy có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp ngân hàng thực hiện tốt việc quản lý nguồn vốn vay, lựa chọn đối tượng cho vay. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định.
Đến nay, Hội nông dân tỉnh quản lý nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có dư nợ gần 1.274 tỷ đồng, với 627 tổ tổ kiệm và vay vốn cho trên 25.500 hộ nông dân vay. Hầu hết các tổ kiệm và vay vốn duy trì tăng trưởng và quản lý tốt nguồn vốn, thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác.
Hội cũng duy trì phối hợp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn vay. Chỉ đạo, hướng dẫn công tác giao ban giữa cán bộ Hội cơ sở với các tổ kiệm và vay vốn định kỳ hàng tháng để nắm tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn, bình xét cho vay, kiện toàn ban quản lý tổ kiệm và vay vốn …
Cùng với đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ quản lý, sử dụng vốn vay, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề để áp dụng vào sản xuất. Trong năm qua có trên 600 lượt nông dân được tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi...
Năm 2025, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, Hội nông dân tỉnh duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động ký kết phối hợp, ủy thác vay vốn với các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuẩt kinh doanh. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, đảm bảo các nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Hội nông dân tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa họ kỹ thuật cho nông dân, thực hiện có hiệu quả mô hình "Nông dân dạy nông dân". Nắm chắc tình hình hoạt động của tổ kiệm và vay vốn, củng cố kịp thời tổ trưởng hoạt động kém hiệu quả./.