An ninh lương thực và sứ mệnh của Petrovietnam

(BKTO) - Nếu thăm dò khai thác là nền tảng thì chế biến dầu khí là “đỉnh” của chuỗi giá trị dầu khí bởi ngành này chuyên cung cấp các sản phẩm thiết yếu, giá trị cao cho nền kinh tế như xăng dầu, hóa chất, nhựa, xơ sợi… Đặc biệt, công nghệ chế biến dầu khí đã góp phần sản xuất ra hàng triệu tấn phân đạm chất lượng cao đảm bảo hỗ trợ người nông dân có được những vụ mùa bội thu.



                
   

Đảm bảo nguồn cung phân đạm cho thị trường trong nước. Ảnh: PVN

   

Tiên phong trong sản xuất phân đạm quy mô lớn

Với sứ mệnh tiên phong, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chính là cổ đông sáng lập và sở hữu hai nhà máy sản xuất phân đạm lớn nhất nước ta hiện nay, gồm Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Tổng công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo) và Nhà máy Đạm Cà Mau (Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC).

Trong những năm qua, cả hai nhà máy đều vận hành ổn định với tổng công suất vào khoảng 1,6 triệu tấn phân đạm/năm, đảm bảo cung cấp hơn 70% nhu cầu phân đạm của cả nước.Không dừng lại ở đó, PVFCCo và PVCFC luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, đầu tư để tạo ra những sản phẩm phân bón mới chất lượng cao như NPK, hữu cơ vi sinh, đạm màu…

Đến nay, các doanh nghiệp này đã đưa ra thị trường nhiều loại phân bón dành cho đa dạng cây lương thực, cây ăn trái và cây công nghiệp, góp phần cùng bà con nông dân tạo nên những vụ mùa bội thu trên các vườn cây, cánh đồng, trang trại.
Hai nhà máy sản xuất phân bón của PVFCCo và PVCFC đều thuộc khâu cuối trong chuỗi giá trị dầu khí - chế biến dầu khí - một trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của Petrovietnam.

Đây cũng chính là những mắt xích cuối cùng tạo nên chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò - khai thác - chế biến - phân phối sản phẩm và dịch vụ dầu khí.

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, hàng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20-25% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn. Điều này được minh chứng rõ ràng, kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, giá khí tăng cao (nguồn cung đầu vào của sản phẩm phân đạm) đã dẫn đến khủng hoảng giá, nguồn cung phân bón trên thị trường và hệ lụy là khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trong khi đó, với sự phát triển ổn định và bền vững của lĩnh vực chế biến dầu khí nói chung và sản xuất phân bón dầu khí nói riêng, Petrovietnam không chỉ góp phần hỗ trợ bà con nông dân cả nước có một nguồn phân bón ổn định, chất lượng cao, giá thành phù hợp, thực sự góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giúp đời sống hàng chục triệu người nông dân Việt Nam ngày càng ấm no, thịnh vượng.

Phát triển vững mạnh, khẳng định ưu thế trên thị trường

Theo báo cáo tài chính bán niên 2022, Tổng công ty PVFCCo đã giữ vững đà tăng trưởng tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước tình hình thị trường, địa chính trị thế giới có nhiều biến động, phức tạp, khó lường, PVFCCo đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dự báo chính xác, tận dụng tối đa cơ hội thị trường để tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh.
                
   

Chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân. Ảnh: PVN

   

Với ưu thế chủ động dự trữ được khối lượng lớn nguồn nguyên liệu, cùng đội ngũ nhân sự có tay nghề và kinh nghiệm vận hành dày dạn, bảo dưỡng tốt, Nhà máy Đạm Phú Mỹ và các xưởng sản xuất của PVFCCo đã hoạt động an toàn, liên tục, sản lượng đạt hơn 600 ngàn tấn phân bón và hóa chất các loại, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2021.

Đặc biệt, với tuổi đời của một Nhà máy đã đi vào hoạt động gần 2 thập kỷ nhưng Nhà máy đã đạt thành tích đáng tự hào khi vận hành liên tục dài ngày và tạo nên kỷ lục mới.

Tính đến ngày 28/7/2022, xưởng Ammonia đã chạy liên tục 435 ngày và xưởng Urea chạy liên tục 277 ngày. Thành tích này bỏ xa kỷ lục trước đó vào năm 2016 của Nhà máy khi chạy liên tục 279 ngày đối với xưởng Ammonia và 192 ngày đối với xưởng Urea.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng đã sản xuất thành công và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, tiêu biểu là dòng NPK Phú Mỹ chứa vi sinh vật có ích, lần đầu tiên được sản xuất thành công tại Việt Nam.

Tổng sản lượng kinh doanh các sản phẩm phân bón và hóa chất của PVFCCo trong 6 tháng đầu năm đạt gần 700 ngàn tấn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2021. Tổng doanh thu của Công ty mẹ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế trên 4.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường phân bón biến động lớn về giá, nguồn cung hàng nhập khẩu đứt gãy do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ucraina, nhu cầu sử dụng sụt giảm... thì con số tăng trưởng sản lượng kinh doanh trên là vô cùng ý nghĩa, phản ánh sự nhanh nhạy, đúng đắn trong các quyết sách kinh doanh của PVFCCo.

Đối với bà con nông dân, với truyền thống, văn hóa sẻ chia, PVFCCo tiếp tục triển khai hàng loạt chương trình an sinh xã hội thiết thực và ý nghĩa.Tiêu biểu là chuỗi chương trình kết hợp cùng các cơ quan quản lý triển khai hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, khoa học, hướng đến nền sản xuất xanh, bền vững.

Thông qua Chương trình “Nhà nông Phú Mỹ”, PVFCCo mong muốn xây dựng các hạt nhân để lan tỏa kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến trong cộng đồng; tạo nên những vụ mùa thu hoạch hoa màu, cây trái bội thu trên khắp các vùng miền của cả nước.

Cũng đồng hành với nhà nông để mang lại những vụ mùa trúng lớn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thời gian qua, PVCFC đã triển khai nhiều chương trình ý nghĩa như “Nhịp cầu nhà nông”, “Cùng nhau san sẻ”…, hỗ trợ chia sẻ các bí kíp, kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón hiệu quả nhất cho người nông dân.

Hiện PVCFC đang tiếp tục tập trung phát triển thị trường, hệ thống phân phối, đưa sản phẩm phân bón hữu cơ xâm nhập các thị trường mục tiêu, đặc biệt là thị trường Tây Nam bộ.

Ban lãnh đạo PVCFC xác định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn là bảo đảm Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành hiệu quả, an toàn, ổn định, tối ưu công suất đối với các sản phẩm urê và NPK; triển khai nhanh các chương trình, đề án tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất; thực hiện tốt công tác bảo dưỡng tổng thể nhà máy, duy trì nguồn cung sản phẩm với thị trường nội địa trong thời gian bảo dưỡng.

Nhờ các giải pháp linh hoạt trong điều hành sản xuất kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, PVCFC đã sản xuất 474,35 nghìn tấn urê quy đổi, đạt 105% kế hoạch 6 tháng; tiêu thụ 432,38 nghìn tấn urê, đạt 115% kế hoạch...

Tổng doanh thu của PVCFC ước đạt 8.247,24 tỷ đồng, vượt 82% kế hoạch 6 tháng, đạt 91% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế vượt cao so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021. Dựa trên kết quả này, PVCFC đã nộp ngân sách Nhà nước 297,85 tỷ đồng, đạt 440% kế hoạch năm 2022./.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
An ninh lương thực và sứ mệnh của Petrovietnam