Áp dụng công nghệ để chủ động và thần tốc hơn trong phòng chống Covid-19

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam cần công bố các công nghệ chủ chốt bắt buộc trong chống dịch Covid-19, tập trung và đồng bộ toàn bộ dữ liệu, hoàn thiện phần mềm phân tích dữ liệu lớn giúp truy vết nhanh và chính xác để không phải cách ly diện rộng.



                
   

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam hãy tận dụng lần bùng phát dịch lần này để huy động trí tuệ và nguồn lực xã hội, ra những quyết sách mạnh mẽ hơn, tìm ra cách kiểm soát tốt hơn và căn cơ trong tương lai. Ảnh: Cổng TTĐT Bắc Giang

   

Vừa qua, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh về phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nước ta đã qua 4 lần bùng phát dịch, lần sau lớn hơn lần trước, nhưng cách làm cơ bản ít thay đổi, vẫn dựa vào hệ thống chính trị và sức người là chính, tỷ lệ người phải cách ly so với số người nhiễm vào loại cao nhất thế giới.

Theo Bộ trưởng, cách làm này hiệu quả khi số ca nhiễm ít, bệnh dịch lây lan chậm, nếu lây lan nhanh như chủng mới, lại có hàng chục ngàn ca F0 thì số ca F1 cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà sẽ lên đến hàng trăm ngàn, hàng triệu thì không khả thi. Bắc Giang, Bắc Ninh bắt đầu nhiều F0, lây lan nhanh. Vì vậy, nên có cách tiếp cận mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chủ động hơn, chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhiều hơn, áp dụng công nghệ nhiều hơn, xét nghiệm chủ động và nhanh hơn, vaccine thần tốc hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu coi Bắc Giang, Bắc Ninh như một cơ hội để tập trung chỉ đạo áp dụng các cách tiếp cận mới, làm cho thành công rồi mang bài học này ra toàn quốc thì rất có thể Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trong dài hạn.

Việt Nam hãy tận dụng lần bùng phát dịch lần này để huy động trí tuệ và nguồn lực xã hội, ra những quyết sách mạnh mẽ hơn, tìm ra cách kiểm soát tốt hơn và căn cơ trong tương lai. Mỗi khi xử lý tình huống thì hướng tới một câu chuyện lâu dài hơn, để nếu có lần thứ 5, thứ 6 thì sẽ không vất vả, ngưng trệ các hoạt động của đất nước như những lần trước.
                
   

Đẩy mạnh thương mại điện tử, giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh internet

   

Trên quan điểm đó, Bộ trưởng nêu rõ, về áp dụng công nghệ, có 4 điều kiện tiên quyết đảm bảo chống dịch thành công.

                
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 4 điều kiện tiên quyết trong áp dụng công nghệ để bảo đảm chống dịch thành công gồm: Thứ nhất, một số công nghệ chủ chốt phải bắt buộc. Thứ hai, dữ liệu và xử lý dữ liệu phải tập trung và liên thông giữa các ứng dụng, vì càng nhiều nguồn dữ liệu thì truy vết càng nhanh và càng chính xác, càng phát hiện sớm các nguy cơ. Thứ ba, phần mềm phải viết dưới dạng nền tảng để 63 tỉnh, thành có thể dùng chung, 700 huyện, hàng chục ngàn xã, các tổ dân phố có thể dùng chung, dễ sử dụng, nhân viên nhân viên truy vết ở các địa phương có thể dùng. Thứ tư, dữ liệu cá nhân sau một tháng lưu trữ thì xoá để người dân yên tâm tuân thủ.
Liên quan đến các công nghệ trong từng công đoạn chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, về nhập cảnh, nước ta có phần mềm khai báo y tế bắt buộc, phần mềm phát hiện người nhập cảnh trái phép.

Xét nghiệm có phần mềm thu thập số liệu xét nghiệm, kết hợp với phần mềm thu thập số liệu người đến bệnh viện, 2 dữ liệu này có thể phát hiện ra bệnh viện có bệnh nhân F0 đến khám mà không phải làm xét nghiệm.

Về truy vết, đã có phần mềm khai báo y tế, phần mềm khai báo khi đến một cơ quan bằng QR code, phần mềm Bluezone phát hiện tiếp xúc gần.

Đối với việc cách ly, có phần mềm giám sát bằng camera tại khu cách ly tập trung, vòng đeo để giám sách cách ly tại nhà, do DN Việt Nam sản xuất. Về đánh giá an toàn, có bản đồ an toàn về Covid-19, chuẩn bị có hộ chiếu vắc xin, có thể dùng cả trong và ngoài nước.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công việc chính là công bố các công nghệ chủ chốt bắt buộc, tập trung và đồng bộ toàn bộ dữ liệu, hoàn thiện phần mềm phân tích dữ liệu lớn giúp truy vết nhanh và chính xác để không phải cách ly diện rộng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, trong phòng chống dịch, vẫn phải kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ; nâng cao năng lực xét nghiệm thật nhanh và xét nghiệm chủ động. Cùng với đó là truy vết nhanh và chính xác để không phải cách ly diện rộng và cách ly có giám sát để không lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Về lâu dài và căn cơ thì phải tiêm vắc xin diện rộng và đại trà.

Theo Bộ trưởng, nước ta đã xác định được những nơi có nguy cơ cao như khu công nghiệp, chợ, quán ăn uống, quán bar vũ trường, thực hành tôn giáo, DN, cơ quan..., những nơi này phải được coi là các pháo đài chống dịch. Bộ Y tế đặt ra yêu cầu, tìm giải pháp tốt, khả thi rồi hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị này tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm…

Về truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ sẽ hướng truyền thông nhiều hơn vào các giải pháp mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới, về tinh thần chủ động tấn công, nâng cao năng lực y tế, xét nghiệm, đẩy nhanh vaccine, công nghệ bắt buộc, cách ly tại nhà và tổ chức lại sản xuất kinh doanh an toàn.

Đồng thời, báo chí, truyền thông cần tuyên truyền rõ hơn về việc tuy số ca bệnh tăng nhưng chúng ta vẫn đang làm chủ tình hình, về sự nỗ lực của chính quyền và các kinh nghiệm tốt của 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, đẩy mạnh thương mại điện tử để giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng cho biết thêm, 2 sàn nông sản của Bưu điện Việt Nam và Bưu chính Viettel có thể giúp Bắc Giang tiêu thụ được 3-4% sản lượng, tương đương 5.000-6.000 tấn vải vì 2 sàn này có vùng phủ giao hàng đến 11.000 xã trên toàn quốc./.

THÙY ANH
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Cùng chuyên mục
Áp dụng công nghệ để chủ động và thần tốc hơn trong phòng chống Covid-19