Tuyển sinh trực tuyến, cam kết việc làm thật
Cam kết chất lượng đào tạo với người học, cũng như cơ hội việc làm hấp dẫn; tăng cường tuyển sinh trực tuyến... Đó là cách làm mới để thu hút người học đang được một số trường nghề áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Trước mỗi khóa học, Trường Cao đẳng (CĐ) Viễn Đông ký cam kết đảm bảo việc làm cho học sinh, sinh viên (HS,SV) sau khi tốt nghiệp. Nếu người học ra trường không có việc đúng ngành hoặc lương thấp, trường cam kết hoàn trả học phí. Từ gần hai năm nay, Trường CĐ Quốc tế TP. Hồ Chí Minh cũng ký cam kết có việc làm với 100% sinh viên. Tương tự, từ nhiều năm nay, Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội ký cam kết với người học sẽ trả lại 100% học phí nếu SV học nghề xong không có việc làm... Nhờ đó, công tác tuyển sinh của các trường này đều có kết quả tích cực. Những cam kết này cũng đồng thời là tiêu chuẩn để đánh giá, buộc các trường phải tự đổi mới, từ đó tạo dựng uy tín với người học.
Không thể kết nối với thí sinh qua hình thức trực tiếp, các cơ sở GDNN đã chủ động chuyển hướng tư vấn tuyển sinh, nhận hồ sơ đăng ký qua hình thức trực tuyến.
Nhà giáo ưu tú, TS. Phạm Xuân Khánh. Ảnh: P.Hiến |
"Trường di động, lớp học online", lắng nghe tâm tư của người học TS. Phạm Xuân Khánh – Phụ trách Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hoạt động đào tạo của Trường phải thay đổi để thích ứng, như: chuyển từ dạy học truyền thống sang áp dụng bài giảng điện tử, dạy học theo dự án… Để hình thức đào tạo này thực sự hiệu quả, các khoa chuyên môn, nhà giáo trực tiếp giảng dạy phải dành thời gian trò chuyện online cùng HS,SV qua đó lắng nghe, tư vấn..., hỗ trợ để HS,SV đạt được kết quả cao nhất trong học tập. Đặc biệt, giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh qua zalo để chia sẻ về việc học của các em, giúp phụ huynh thấu hiểu, chia sẻ, từ đó cùng nhà trường quản lý HS,SV cũng như tạo điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần cho HSSV. |
TS. Phạm Đức Khiêm - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh thông tin, xác định ảnh hưởng của dịch bệnh còn phức tạp, kéo dài, Trường đã chủ động các hình thức tư vấn trực tuyến, cũng như tích cực chăm sóc, tương tác để giữ chân người học đã đăng ký. “Dù tình hình nộp và làm thủ tục xét tuyển khó khăn hơn nhưng vẫn có những điểm đáng kỳ vọng” - TS. Phạm Đức Khiêm cho biết.
Chương trình đào tạo với nhiều hoạt động gắn với thực tiễn, mang lại những trải nghiệm thú vị cho người học như tại Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội cần được các trường nghề nhân rộng. Ảnh: Phạm Khánh |
Tác động của dịch bệnh làm gia tăng tình trạng lao động thất nghiệp do DN phải đóng cửa hoặc giải thể. Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ). Tham gia đào tạo nghề cho đối tượng lao động này là trách nhiệm, nhưng cũng giúp các trường nghề tháo gỡ phần nào khó khăn trước cảnh tuyển sinh èo uột như hiện nay. Tại Hà Nội dự kiến có hơn 1 triệu NLĐ đủ điều kiện hưởng chính sách này, đây sẽ cơ hội để các trường nghề trên địa bàn có thêm người học, đồng thời khẳng định vai trò, tiếng nói của GDNN đối với xã hội, với người học.
Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, thay vì ưu tiên tuyển sinh hệ trung cấp, CĐ, năm nay, Trường sẽ mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh hệ sơ cấp, hướng đến đối tượng là NLĐ mất việc làm, có nhu cầu đào tạo nghề.
Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người học
Trong bối cảnh khó khăn, việc thu hút người học đã khó, song để giữ chân, tạo dựng uy tín với người học lại càng khó hơn. Điều này đòi hỏi các trường phải đổi mới về chiều sâu để nâng cao chất lượng đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người học và đặc biệt là phải có sự tham gia hỗ trợ đào tạo của DN - đích đến của người học.
ThS. Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, để đạt được tỷ lệ 100% HS,SV ra trường có việc làm theo cam kết thì không thể chỉ nói miệng, mà đòi hỏi trường phải nói thật, làm thật, tức là người học phải tìm được thứ mình cần, đó là cơ hội việc làm và mức đãi ngộ tương xứng sau khi tốt nghiệp. “Trường giao trách nhiệm cho từng khoa và có tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc cụ thể. Nếu không đảm bảo cam kết với người học, các bộ phận, cá nhân liên quan sẽ bị đánh giá thấp điểm và có thể bị cắt một số quyền lợi” - ThS. Nguyễn Đăng Lý cho biết.
Đào tạo GDNN, với sự tham gia hỗ trợ của DN và chuyên gia nước ngoài sẽ mang đến nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao. Ảnh: Phạm Khánh |
Còn theo Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc, để có được cam kết này, Trường đã có những thay đổi đột phá trong công tác đào tạo. Nhà trường giảng dạy hoàn toàn bằng phương pháp tích hợp lý thuyết và thực hành (30% là học lý thuyết, 70% học thực hành). Bên cạnh đó, Trường đã duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác với trên 100 DN trong nước và nước ngoài, đây là nguồn bảo đảm việc làm cho HS,SV của trường.
TS. Trương Anh Dũng. Ảnh: P.Hiến |
Không để các trường "tự bơi" Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc ký kết hợp tác đào tạo với các tập đoàn, DN lớn trong nước, nước ngoài để thu hút người học nghề; hoàn thiện Đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến GDNN; trước mắt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, góp phần giúp các trường chủ động trong công tác tuyển sinh và đào tạo… |
Trước thực trạng NLĐ thất nghiệp chưa mặn mà với đào tạo nghề thời gian qua, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm cho rằng công tác đào tạo chưa thực sự hấp dẫn; một số cơ sở đang dạy những nghề không phù hợp nhu cầu tuyển dụng, trong khi nhu cầu đào tạo nghề cao như các khóa ngắn hạn 3-6 tháng chưa được các trường chú trọng.
TS. Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội đánh giá, nếu không thay đổi nội dung, phương pháp đào tạo, mở rộng danh mục nghề thì khó thu hút được NLĐ tham gia. “Các chương trình đào tạo cần thiết thực hơn, gắn với nhu cầu xã hội và đảm bảo tỷ lệ có việc làm sau học nghề ở mức cao thì mới thu hút được người học” - TS Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá.
Do đó, các ý kiến cũng cho rằng, các khóa đào tạo hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP cần phải lưu ý khắc phục các bất cập nêu trên để đảm bảo hiệu quả của chính sách cũng như hỗ trợ thực sự cho NLĐ.
Bài 3. Nâng cao kỹ năng nghề để đón đầu cơ hội - góc nhìn của người học
NGUYỄN LỘC