Bài 3: Tăng cường đầu tư, đi đôi với quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển văn hóa

Trong bối cảnh vai trò, nhiệm vụ của văn hóa ngày càng được đề cao nhằm phát triển đất nước bền vững trong thời kỳ mới, việc quan tâm đầu tư để văn hóa phát triển xứng tầm là vô cùng cần thiết. Đi liền với đó, các cơ quan hữu quan cần đổi mới cách thức đầu tư cho văn hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực, nhất là tài chính để xứng đáng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và góp phần nâng cao nhu cầu thụ hưởng văn hóa cho nhân dân.

dsc_1288.jpg
Cần tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Ảnh tư liệu

Các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa ngày càng được chú trọng và đa dạng

Trong các văn kiện của Đảng, vai trò của văn hóa ngày càng được thể hiện đậm nét. Nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 “Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

Từ những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chăm lo phát triển văn hóa, trên cơ sở các văn bản pháp luật quy định về phát triển văn hóa, các nguồn lực đa dạng dành cho văn hóa đã được huy động, trong đó, nguồn lực đầu tư từ Nhà nước vẫn chiếm vai trò chủ đạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng, trong giai đoạn 2014-2019, đầu tư cho phát triển văn hóa thông qua nguồn vốn cấp về Bộ VH-TT&DL là 5.735,442 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 918,653 tỷ đồng, vốn ngân sách sự nghiệp là 4.816,789 tỷ đồng. Đầu tư cho phát triển văn hóa các địa phương trong giai đoạn trước năm 2016 được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Trong giai đoạn 2014-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã được cấp 546 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 290 tỷ đồng, vốn ngân sách sự nghiệp là 256 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa là 10.620 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, về cơ bản, nguồn vốn đầu tư từ các chương trình này có tính chất “vốn mồi” đã đem lại hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, nhất là đồng bào tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, chủ trương "xã hội hóa" được xác lập qua các văn bản đã tạo cơ chế, chính sách ưu đãi (về thuế, phí, tín dụng, quyền sử dụng đất…), các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng từ các cá nhân, tổ chức xã hội đã được huy động cho việc phát triển văn hóa. Nhà nước cũng khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản…

Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch Covid-19, Nhà nước đã có những chính sách kịp thời, giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, du lịch… Ngoài ra, các nguồn lực khác cần thiết cho phát triển văn hóa ở Việt Nam như nhân lực, cơ sở hạ tầng, đào tạo…, cũng được huy động và phát huy, góp phần quan trọng tạo ra những kết quả tích cực trong diện mạo văn hóa - nghệ thuật nước nhà.

Đổi mới cách làm, chú trọng tính hiệu quả

Có thể nói, từ nguồn lực được đầu tư thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc phát triển, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và góp phần giảm bớt khoảng cách trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư phát triển văn hóa thời gian qua vẫn tồn tại những bất cập làm giảm hiệu quả nguồn lực đầu tư, như Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: “Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”.

Do đó, để thực hiện hiệu quả mục tiêu mà Đảng ta đề ra “văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, bên cạnh nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, thực tế đang đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nhanh chóng có những giải pháp, điều chỉnh kịp thời, đồng bộ, phù hợp tình hình thực tiễn để thu hút thêm nguồn lực, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư. 

89128trinh_dien_di_san_van_hoa_phi_vat_the_tieu_bieu_tinh_hoa_binh.jpg
Chú trọng đầu tư, đi đôi với đổi mới cách thức đầu tư để thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các khu vực, vùng miền. Ảnh: Báo Văn hóa

Khẳng định rào cản trong quy định là bất cập lớn, ảnh hưởng đến công tác quản lý cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật PPP, các Luật thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp… nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội và tối ưu hóa nguồn lực nội sinh từ văn hóa. Cụ thể, theo Bộ trưởng, Luật Đầu tư cần các quy định pháp luật liên quan và quy định pháp luật chuyên ngành về văn hóa để tạo cơ sở pháp lý cho nguồn lực từ Nhà nước. Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để khơi thông nguồn lực từ văn hóa trong hạ tầng của văn hóa như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có chính sách phù hợp phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa; cơ chế tự chủ tài chính đồng bộ với nhân sự, kế hoạch của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa. Các chính sách về nguồn lực nhà nước đầu tư cho văn hóa cũng cần tính đến chính sách đặc thù, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa tinh hoa và hỗ trợ phát triển văn hóa quần chúng.

Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo đánh giá được hiệu quả của các nguồn lực đầu tư cho văn hóa sẽ được Bộ VH-TT&DL nghiên cứu xây dựng tới đây, đó là xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa.

Nói thêm về giải pháp này, lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, việc xây dựng bộ chỉ số tổng hợp và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia; đồng thời cung cấp các bằng cứ xác thực cho việc xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, giúp nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế và sự đóng góp của văn hóa đối sự phát triển của đất nước.

Trong thời gian tới, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, mang lại ý nghĩa quan trọng để các Bộ, ngành và địa phương cùng ngành văn hóa xem xét, nhìn nhận sâu sắc các vấn đề văn hóa, việc đầu tư cho văn hóa cần đồng bộ, toàn diện và đặt mức tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho văn hóa theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng - 

Nhấn mạnh tình trạng nguồn lực đầu tư cho văn hóa từ Trung ương về địa phương bị cắt giảm, hoặc bị điều chuyển nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực khác, gây khó khăn cho cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng, những bất cập này cần phải chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, do nguồn lực nhà nước có hạn, do đó việc xác định đầu tư nhà nước vào đâu, đạt ngưỡng ra sao, phương thức như thế nào cũng cần phải được tính toán thận trọng. Bởi, đầu tư tràn lan, không đúng trọng tâm, trọng điểm, không có khả năng kết nối, lôi cuốn tư nhân tham gia thì coi như đầu tư kém hiệu quả, chưa thể hiện được vai trò của đầu tư công. “Áp dụng nguyên tắc thị trường vào phân bổ nguồn lực nhà nước là cách thức góp phần nâng cao trách nhiệm sử dụng nguồn lực. Huy động nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội vào phát triển văn hóa có ý nghĩa bổ sung, bù đắp thiếu hụt của nguồn lực nhà nước” - chuyên gia nêu giải pháp.

Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn đề nghị cần đổi mới cơ chế đầu tư theo hướng chuyển mạnh sang cơ chế đặt hàng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, không phân biệt khu vực công hay tư, kiến tạo thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa công cộng. Áp dụng các mô hình “đầu tư công, quản trị tư, vận hành tư” đối với các thiết chế văn hóa đòi hỏi quản trị chuyên nghiệp, hiện đại. Áp dụng hình thức đấu thầu các gói dịch vụ sử dụng NSNN nhằm nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả sử dụng tài chính ngân sách, bảo đảm quyền bình đẳng cơ hội tiếp cận của các đơn vị sự nghiệp công và tư, doanh nghiệp và tổ chức cộng đồng../.

Cùng chuyên mục
  • Hỗ trợ trên 25 triệu lượt đối tượng trong dịp Tết  Quý Mão
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ước tính, 63/63 tỉnh, thành phố đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng để hỗ trợ trên 25 triệu lượt đối tượng đón Tết Nguyên đán Quý Mão.
  • Trưng bày Tư liệu - Báo Xuân Quý Mão năm 2023
    một năm trước Xã hội
    Hướng tới kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023); mừng Xuân Quý Mão 2023, ngày 17/01, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Trưng bày Tư liệu - Báo Xuân Quý Mão năm 2023 với chủ đề "Mùa xuân dâng Đảng".
  • Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
    một năm trước Xã hội
    Tại Hội nghị trực tuyến giao ban toàn quốc về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) diễn ra ngày 17/01, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu lực lượng, trọng tâm là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tập trung triển khai quyết liệt các kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
  • 2 tháng cao điểm kiểm tra, xử phạt vi phạm về an toàn cháy nổ với số tiền gần 324 tỷ đồng...
    một năm trước Xã hội
    Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH), Bộ Công an, qua hơn 2 tháng triển khai Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC & CNCH (từ tháng 10/2022), Công an các đơn vị, địa phương đã đồng loạt ra quân triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đạt được những kết quả quan trọng trên các mặt công tác.
  • Triển lãm “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”
    một năm trước Xã hội
    Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), chiều ngày 16/1/2023, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc Triển lãm “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”.
Bài 3: Tăng cường đầu tư, đi đôi với quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển văn hóa