Theo Báo cáo về tình hình chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách và người lao động dịp Tết Nguyên đán 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tại buổi gặp mặt Thủ trưởng các đơn vị nhân dịp đầu Xuân, Chủ tịch nước tặng quà cho trên 1,5 triệu đối tượng với tổng kinh phí trên 460 tỷ đồng.
Cùng với đó, chính quyền địa phương các cấp cũng tích cực, chủ động bố trí ngân sách hoặc vận động nguồn lực xã hội tặng trên 3 triệu suất quà Tết cho người có công với cách mạng, với tổng kinh phí trên 2.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 25/01/2023, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 Quyết định hỗ trợ trên 18.000 tấn gạo cứu đói cho gần 200.000 hộ với 1,2 triệu nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023 cho 17 tỉnh.
Các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ trên 1.500 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, các địa phương đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 3,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, 10 triệu người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và chúc thọ, mừng thọ hơn 1 triệu người cao tuổi.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cấp công đoàn, doanh nghiệp và toàn xã hội đồng hành tổ chức hỗ trợ, chăm lo Tết cho khoảng 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người (bằng tiền mặt) từ nguồn tài chính công đoàn.
Gần 20.000 lượt đoàn viên, người lao động được nhận quà, thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tổng số tiền thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động các cấp là gần 23,7 tỷ đồng.
Ước tính 63/63 tỉnh, thành phố đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 25 triệu lượt đối tượng đón Tết Nguyên đán Quý Mão.
Cũng tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngay từ trước Tết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, chỉ đạo với yêu cầu đảm bảo một cái Tết đầm ấm, yên vui “nhà nhà đều có Tết, người người đều có Tết”.
Theo Bộ trưởng, đến giờ này, kết quả tổng hợp cho thấy, an sinh xã hội đều được đảm bảo tương đối tốt. Các đối tượng yếu thế được quan tâm một cách đầy đủ; các chính sách với người có công, lão thành cách mạng được triển khai sớm và chu đáo.
Nhận định năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, áp lực lớn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu ngành LĐTBXH tập trung cao độ trong việc xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
“Việc hình thành một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững và mang yếu tố hội nhập phải đi cùng với xây dựng và phát triển một hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội.
Bộ có nhiệm vụ xây dựng một Nghị quyết chuyên đề về chính sách xã hội với một tầm nhìn thông thoáng hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2045; sửa Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm - yếu tố then chốt nhất của toàn bộ hệ thống lao động việc làm trong thời gian tới./.